4 năm trước người hâm mộ Việt Nam đã đụng độ các Ultras Malaysia trên sân Shah Alam, sau khi "Những ngôi sao Vàng" đánh bại Malaysia với tỷ số 2-1 trong trận bán kết lượt đi AFF Cup 2014. Máu đã đổ, và cả những giọt nước mắt sợ hãi giữa khung cảnh hỗn loạn là những hình ảnh mà chúng ta không bao giờ có thể quên.
Vậy Ultras Malaysia là tổ chức như thế nào, và bắt nguồn từ đâu?
Đó là vào năm 2007, khi đội tuyển Malaysia thất bại thảm hại ở Asian Cup mà họ là một trong 4 nước chủ nhà. Trong nỗi thất vọng tột cùng, người yêu bóng đá Malaysia từ khắp nơi trên thế giới chỉ biết các trút giận lên các diễn đàn trực tuyến, sau đó tự nhủ phải làm một điều gì đó để phục hưng bóng đá nước nhà.
Rất nhanh chóng, một nhóm 20 người đã lập ra UM07, tức Ultras Malaya - 07, với mục đích kết nối tất cả những người hâm mộ Malaysia. Sau đó, họ sẽ kéo đến sân để cổ vũ đội tuyển dù thắng hay thua. Họ vỗ tay tán thưởng sau mỗi đường chuyền đẹp, và say sưa hát cho đến khi các cầu thủ rời sân mới thôi. Họ có tới hơn 20 bài hát khác nhau để không bao giờ mang đến sự nhàm chán.
Các Ultras Malaya có tới hơn 20 bài hát khác nhau để không bao giờ gây ra sự nhàm chán.
Theo thời gian, số lượng thành viên của Ultras Malaya tăng chóng mặt và góp phần quan trọng vào những thay đổi tích cực của bóng đá Malaysia. Và nhiều lần, FAM - Hiệp hội bóng đá Malaysia - phải nhờ cậy họ để tái tạo bầu không khí náo nhiệt ở các sân vận động trong những sự kiện như Pestabola Merdeka và AFF Suzuki Cup. Dần dần, Ultras Malaya trở thành một tổ chức giàu quyền lực. Các rắc rối nảy sinh từ đây.
Như đã nói, Ultras Malaya được tạo ra bởi tình yêu bóng đá thuần túy. Họ thậm chí không cần đến sự tài trợ từ bên ngoài, mà tự tìm kiếm nguồn thu thông qua việc bán các vật phẩm bóng đá.
Vì vậy, Ultras Malaya không phục vụ bất cứ ai. Họ sẽ phản kháng nếu cảm thấy tương lai đội tuyển bị đe dọa và tích cực tham gia giải quyết các tiêu cực nếu có. Ví dụ như năm ngoái, họ quyết định tẩy chay trận chung kết SEA Games 2017 giữa Malaysia và Thái Lan vì sự yếu kém của FAM trong việc bán vé. Kết quả: không có sự cổ vũ cuồng nhiệt trên khán đài, Malaysia thất bại 0-1.
"Đặc sản" của Ultras Malaya là pháo sáng và bom khói.
Cách phản ứng này xem ra vẫn còn nhẹ nhàng chán. Cho đến nay người ta vẫn nhắc về sự kiện ngày 01/03/2014. Đó là một dấu mốc quan trọng, khi bản năng nguyên thủy bị đánh thức và Ultras Malaya chính thức cởi bỏ bộ mặt dễ thương để hiện ra với dáng vẻ hung hãn chưa từng thấy.
Hôm ấy tuyển Malaysia chơi trận giao hữu gặp Philippines tại sân vận động Selayang. Hàng ngàn Ultras Malaya, trong trang phục màu đen và che mặt, chiếm lĩnh khu vực đằng sau cầu môn. Vì cho rằng FAM đã không làm gì để thay đổi nền bóng đá Malaysia, họ đã đứng im như những pho tượng trong suốt 30 phút đầu trận đấu.
Kết thúc, bữa tiệc bắt đầu bằng pháo sáng và bom khói. Chúng được ném khắp nơi, cả trên khán đài và dưới sân cỏ. Lửa bùng lên và khói mù mịt ở khắp nơi. Không khí man rợ còn được trợ lực bởi tiếng la hét, trống thúc liên hồi cùng các biểu ngữ phản đối FAM. Thông điệp của họ đưa ra là: Chào mừng tất cả đến với thế giới mới của bóng đá Malaysia, nơi chỉ có lòng dũng cảm.
Họ có thể rất dễ thương, nhưng một lúc nào đó, trở nên hung hãn và đầy bạo lực.
Từ ultra - những CĐV bóng đá cuồng tín, tới hooligan - người hâm mộ quá khích, là một ranh giới mong manh. Và chỉ cần một lý do, kể cả không rõ ràng, để tất cả trở nên đáng sợ. Như năm 2014, vốn đang thất vọng với kết quả thua 1-2 trước Việt Nam, một mâu thuẫn nhỏ cũng đủ để các Ultras Malaya tràn sang hành hung, tấn công CĐV Việt bằng tất cả những gì có thể.
Vì vậy, cẩn trọng không thừa. Những ai sang xứ sở đồi cọ trong các ngày sắp tới nên tuân thủ khuyến cáo từ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. Khu vực quảng trường Merdeka ở Kuala Lumpur có thể xảy ra biểu tình với quy mô lớn, trong khi người hâm mộ Mã Lai tiếp tục bất mãn với hệ thống phân phối vé của FAM.
Bạn sẽ không biết được trận chung kết lượt đi tới đây, các Ultras Malaya sẽ trình diễn bộ mặt nào tại Bukit Jalil.