Trước đó, ngày 5.12, TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo của bị cáo Đặng Thanh Bình và 4 đồng phạm trong vụ thiệt hại 15.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB – nay là CB).
Tại phiên xét xử sáng nay, HĐXX cho biết, đã đánh giá kháng cáo của các bị cáo xin hưởng án treo dựa trên cơ sở quan điểm bào chữa của các luật sư.
Các bị cáo không còn làm việc tại ngân hàng, có nhân thân tốt, không có tính nguy hiểm cho xã hội, thuộc chế định được áp dụng án treo. Tuy nhiên, trong vụ án này, hậu quả từ hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, với số tiền thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, nên HĐXX quyết định không áp dụng chế định án treo cho tất cả bị cáo như đề nghị.
Đồng thời, vận dụng thêm Luật Người cao tuổi, các bị cáo trên 60 tuổi, nhân thân tốt, bị phạt tù từ 3 năm trở xuống nên vận dụng thêm để áp dụng chế định án treo với các bị cáo.
Trong vụ án, cả 5 bị cáo xin hưởng án treo, chỉ có hai bị cáo trên 60 tuổi là bị cáo Phạm Thế Tuân (sinh năm 1956) và Đặng Thanh Bình (sinh năm 1954). Do đó, HĐXX phúc thẩm chấp nhận đề nghị xin hưởng án treo của hai bị cáo Tuân và Bình.
Bị cáo Đặng Thanh Bình (người đứng) và các đồng phạm tại phiên xét xử.
HĐXX phúc thẩm tuyên bị cáo Đặng Thanh Bình 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm; bị cáo Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An) 2 năm 6 tháng tù; bị cáo Hà Tấn Phước (Tổ trưởng Tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An) 2 năm tù; bị cáo Ngô Văn Thanh (thành viên Tổ giám sát, nguyên Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An) 1 năm tù; bị cáo Phạm Thế Tuân (Tổ phó Tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM) 1 năm tù cho hưởng án treo.
Theo bản án sơ thẩm xét xử vào đầu tháng 7.2018, quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB), bị cáo Đặng Thanh Bình là người được giao nhiệm vụ giúp Thống đốc chỉ đạo tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém, đã có bút phê vào tờ trình của Cơ quan thanh tra giám sát với nội dung việc kiểm tra vốn góp sẽ được thực hiện sau này, cần nghiên cứu đề xuất cách làm để đảm bảo thực hiện yêu cầu của Thủ tướng và NHNN.
Kết quả điều tra, truy tố xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã kết luận: Bằng các thủ đoạn gian dối, Phạm Công Danh và đồng phạm đã sử dụng chính tiền giải ngân của các khoản vay của Ngân hàng Đại Tín để chứng minh năng lực tài chính. Phạm Công Danh đứng đầu nhóm nhà đầu tư không có thực lực tài chính tham gia tái cơ cấu.
Bị cáo Đặng Thanh Bình biết rõ nhóm Phạm Công Danh tham gia chuyển nhượng cổ phần của Ngân hàng Đại Tín, tuy nhiên vẫn Quyết định cho phép tham gia nhóm tái cơ cấu, để Phạm Công Danh có điều kiện tham gia quản lý, nắm giữ cổ phần chi phối ngân hàng, thực hiện hành vi phạm tội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến ngân hàng thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, với nhiệm vụ chỉ đạo phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát, bị cáo Đặng Thanh Bình đã nhận được các báo cáo của tổ giám sát về những sai phạm tại Ngân hàng VNCB nhưng bị cáo cũng không có chỉ đạo hay quyết định nào để chấm dứt những sai phạm của ban lãnh đạo ngân hàng.
Với những hành vi đặc biệt nghiêm trọng, Đặng Thanh Bình cùng các bị cáo bị xét xử về cùng tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Đặng Thanh Bình bị tuyên phạt 3 năm tù, Hà Tấn Phước (nguyên Tổ trưởng Tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc NHNN Chi nhánh Long An) 2 năm tù, Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An) 2 năm 6 tháng tù, Ngô Văn Thanh (nguyên thành viên Tổ giám sát) 1 năm 6 tháng tù và Phạm Thế Tuân (nguyên Tổ phó Tổ giám sát) 1 năm tù.
Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Đặng Thanh Bình kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, Theo đó, bị cáo Bình cho rằng bản thân không hoàn thành nhiệm vụ chính trị chứ không sai phạm, không phạm tội. 4 bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.