Ngày 9/12/2018, trận mưa lớn đã nhấn chìm toàn TP. Đà Nẵng trong biển nước. Hàng loạt các chiếc xe siêu sang mang nhãn hiệu Audi, BMW, Marcedes, Range Rover... chìm nghỉm dưới nước trước sự chứng kiến bất lực của chủ nhân.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, anh Nguyễn Mạnh Việt - Chủ một gara sửa chữa xe ô tô tại đường Khuất Duy Tiến (Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội) cho biết, những chiếc xe ngập nước thường bị người mua hắt hủi bởi nếu đã ngập thì chiếc xe đó thường bị hỏng rất nặng.
"Trong các trường hợp ngập nước, nhẹ nhất là ngập sàn xe. Lúc này nếu được khắc phục nhanh chóng đúng cách thì gần như không ảnh hưởng tới chất lượng tổng thể của xe. Tuy nhiên, nếu ngập sâu hơn thì mọi chuyện sẽ khác bởi nước sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới các bộ phận quan trọng của xe.
Nhiều xế sang ngập trong biển nước tại hầm một chung cư tại trung tâm TP. Đà Nẵng.
Khi nước ngập sâu qua hút gió, bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là “trái tim” của xe - động cơ. Việc bổ động cơ không bao giờ được khuyến khích chưa nói đến trường hợp bị vào nước.
Nếu khắc phục không triệt để, xi lanh còn “ngậm nước” thì hiện tượng thủy kích cũng vẫn có thể xảy ra hay nhẹ cũng ảnh hưởng tới sự ổn định về lâu về dài. Nếu phải thay toàn bộ cụm động cơ thì chi phí không hề rẻ" - anh Việt nói.
Việc xe ô tô ngập nước cùng dẫn đến hệ thống điện của chiếc xe bị ảnh hưởng. Thông thường, khi bị ngập hệ thống điện thì buộc phải thay thế hết các dây dẫn lẫn bộ phận quan trọng để tránh những trường hợp đáng tiếc như chập cháy sau này. Tuy nhiên, biện pháp này cũng chưa thực sự triệt để.
Ông Hà Minh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty AnyCar, chuyên kinh doanh xe cũ cũng cho biết, tình trạng nguy hiểm nhất là nước ngập đến nắp capo của xe. Bởi, trường hợp này hút gió cũng bị ngập.
Cho dù xe có được mang đi xưởng để xử lý, nước đã được rút sạch ra khỏi xy-lanh, thì vẫn có nguy cơ xy-lanh “ngậm” nước, nổ máy vẫn có thể bị hiện tượng thủy kích. Nếu xe bị thủy kích thì nhẹ nhất cũng phải dỡ máy, thay tay biên và nặng là lốc máy vị vỡ, nứt thì phải thay động cơ.
Trường hợp không bị thủy kích, nhưng nguy cơ xy-lanh “ngậm” nước, cũng sẽ làm cho lòng xy-lanh có thể bị gỉ. Như vậy, động cơ sẽ "uống xăng như uống nước" và hoạt động không ổn định.
Với nhiều dòng xe, đặc biệt là xe Nhật, hệ thống điều khiển túi khí đặt ngay dưới sàn xe ở khu vực bệ trung tâm. Nước lọt vào có thể làm tê liệt hoạt động của hệ thống này. Túi khí sẽ không bung khi có va chạm, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Chiếc Audi ngập nước trên đường phố Đà Nẵng.
Ngoài ra, hệ thống truyền động cũng bị ảnh hưởng, bị nước làm gỉ sét dẫn đến hoạt động thiếu ổn định. Cùng với đó toàn bộ nội thất như ghế xe, trần, các tấm ốp đều phải dỡ ra, tháo tung sấy khô, cái nào hỏng phải bỏ và thay mới...
Những xe này, sau khi khắc phục hoạt động không ổn định và tin cậy, bán rất khó, cho dù giá vô cùng rẻ, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, thời gian qua 1 số xe ngập nước đến trung tâm kỹ thuật cả AnyCar tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra, đánh giá.
Tùy từng trường hợp, mức độ nặng, nhẹ mà đánh giá thiệt hại. Nhưng nói chung, xe đã bị ngập nước, để nước tràn vào khoang hành khách thì thiệt hại nhẹ nhất cũng khoảng 30% giá trị, còn ngập nặng tới nắp capo như đã nói, thì coi như bỏ.