Bà Phạm Thị Ngọc - Phó Chánh Thanh tra Cục ATVSTP cho biết, các đoàn kiểm tra chỉ có thể làm test nhanh xem sản phẩm có phản ứng dương tính với phẩm màu công nghiệp hay không, còn muốn xét nghiệm sản phẩm có nhiễm Rhodamine B hay không lại phải gửi mẫu về labo để xét nghiệm.
80% ớt bột dương tính với Rhodamine B. |
Sản phẩm nhiễm Rhodamine B mắt thường không phân biệt được, nhưng do nó có tính phát quang nên có thể đóng cửa, tắt đèn để phân biệt. Nếu thấy sản phẩm có ánh phát quang thì khả năng sản phẩm nhiễm Rhodamine rất cao, tuy nhiên nếu hàm lượng thấp thì cũng khó phân biệt.
Bà Ngọc cũng cho biết, ớt bột là hàng nông sản nên chính quyền địa phương, cán bộ y tế cơ sở cần chú trọng kiểm tra và hướng dẫn bà con sản xuất đảm bảo ATVSTP…
Theo TS Trần Đáng – nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP, Rhodamine B là phẩm màu công nghiệp thường được dùng để nhuộm vải, bị tuyệt đối cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm và dược phẩm vì có khả năng gây ung thư. Tuy nhiên, nhiều người vì lợi nhuận vẫn sử dụng Rhodamine B vào nhuộm thực phẩm (đặc biệt là những sản phẩm có màu đỏ, màu cánh gián), đặc biệt là ớt bột và hạt dưa.
Người tiêu dùng ăn phải các sản phẩm nhuộm Rhodamine B có khả năng tích tụ các chất độc trong gan, thận, gây dị ứng da. Ngoài ra, hạt dưa, hạt hướng dương, hạt bí là chất có nhiều dầu, rất dễ bị nấm mốc. Hạt dưa bị nấm mốc cũng chứa nhiều chất gây ung thư. Người dân nên thận trọng khi sử dụng các loại hạt này.
Diệu Linh