Dân Việt

Bà Rịa-Vũng Tàu: Xuất hiện 40 đơn tố cáo, khiếu kiện về đất rừng

Hồ Văn 12/12/2018 13:33 GMT+7
Từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc phát sinh nhiều vụ khiếu kiện, tố cáo liên quan đến việc giao khoán đất rừng thuộc Công ty Lâm nghiệp Xuyên Mộc.

Tại buổi họp báo xoay quanh các vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT), cho biết giải pháp tốt nhất hiện nay là an sinh, an dân với chủ trương đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương này.

Sáng 11.12, ông Nguyễn Văn Tình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ trì buổi họp báo về nội dung xung quanh vấn đề đất rừng Xuyên Mộc và một số nội dung khác.

PV Dân Việt đặt câu hỏi: “Tại sao đến bây giờ, khi có khiếu kiện về giao khoán đất rừng của người dân thì mới có chủ trương đẩy mạnh vấn đề an sinh, an dân… tại nơi này?".

img

Phó Chủ tịch tỉnh BR-VT Nguyễn Thanh Tịnh trả lời báo chí. ảnh: H.V

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ở địa bàn nông thôn đã có nhiều chương trình của tỉnh, Trung ương… vùng khó khăn thực hiện theo Chương trình 135, xây dựng NTM…

Tình hình chung trên địa bàn 3 xã (Hòa Hội, Hòa Hiệp, Xuyên Mộc thuộc huyện Xuyên Mộc) còn khó khăn. Qua đối thoại với người dân, làm việc với các xã, huyện…, chủ trương của tỉnh là nhất trí đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, ba năm tới sẽ phải hoàn thành. Khi đó, mặt bằng chung của địa bàn sẽ nâng cao, đẩy mạnh thu nhập, giảm nghèo cho người dân.

“Mong muốn của tỉnh là hỗ trợ vốn trực tiếp cho các hộ dân, tăng thu nhập ổn định, và nếu thành công thì đây sẽ là mô hình thí điểm để nhân rộng”, ông Tịnh cho biết.

Cũng theo ông Tịnh, trước thắc mắc của phóng viên Dân Việt “trước đây đã bố trí những giải pháp này chưa?”, thực tế vì bối cảnh chung toàn tỉnh có nhiều khó khăn, dù đã quan tâm nhưng chưa thực hiện đầy đủ, nay tỉnh đẩy nhanh các chương trình này, trong bối cảnh bà con đang khiếu kiện đất rừng rất phức tạp thì đẩy mạnh các giải pháp lâu bền là tối ưu.

Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT Nguyễn Văn Tình bổ sung, thực ra các chương trình về an sinh xã hội, xây dựng NTM tỉnh đã làm nhiều trong mấy năm nay và làm thường xuyên… nên hộ nghèo trong tỉnh nhờ đó cũng giảm nhiều.

img

Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT Nguyễn Văn Tình trả lời báo chí. Ảnh: H.V

“Nhưng đặc biệt chúng ta rà lại trong đợt này, tăng cường làm mạnh hơn, đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay (bà con đang khiếu kiện đất rừng - PV) và phải làm chặt chẽ hơn, tập trung hơn”, ông Tình nói.

Theo Sở NN&PTNT BR-VT, đất rừng mà bà con đang khiếu kiện do Lâm trường Xuyên Mộc quản lý từ giai đoạn 1978 -1988 đến nay.

Được biết, trước đó tỉnh có ý định giao khoán rừng cho 219 hộ dân nhưng khi triển khai thì nhận được 40 đơn tố cáo về sự thiếu minh bạch trong danh sách này. Sau đó, tỉnh cho dừng chủ trương giao khoán để xem xét lại danh sách, đồng thời lúc này tỉnh lại nhận thêm 2.300 đơn xin nhận giao khoán rừng.

img

Bà con đang canh tác trên đât rừng có khiếu kiện. 

Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Tịnh đã có buổi họp với 3 xã nói trên và huyện Xuyên Mộc, đồng thời thống nhất chỉ đạo: Tập trung vào giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, giới thiệu việc làm nhằm tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho người dân 3 xã Hòa Hội, Hòa Hiệp và Xuyên Mộc. Trong đó, cần phân loại, thống kê theo nhóm đối tượng theo các tiêu chí để thực hiện, cụ thể:

Nhóm (nhóm I) đối tượng thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội: Ưu tiên thực hiện các chính sách có liên quan và các chính sách tại nhóm III.

Nhóm (nhóm II) đối tượng được xác nhận là hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo: Ưu tiên thực hiện các chính sách có liên quan, tập trung ưu tiên thực hiện Dự án mô hình giảm nghèo và các chính sách nêu tại nhóm III.

Nhóm (nhóm III) đối tượng không thuộc hai nhóm trên, trong đó ưu tiên đối tượng trong số 219 hộ liên quan đến việc xét giao khoán đất rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp BR-VT trước đây (hộ có lao động trực tiếp sản xuất tại địa phương, có thu nhập không ổn định, có khó khăn về tư liệu sản xuất…): Ưu tên bố trí các nguồn vốn để giải quyết khó khăn về nhà ở, nước sạch, nguồn điện cho sinh hoạt và sản xuất, trẻ em được đến trường, dịch vụ y tế, hạ tầng giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, vấn đề vay vốn để phát triển kinh tế hộ, học nghề, việc làm và xuất khẩu lao động.