Ước muốn về làng
Theo như lời của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền - con gái cả của nhà văn Kim Lân thì sinh thời, ông chỉ muốn được về quê ở làng Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh) để gần gũi thêm những gì đã gắn bó với đời văn của ông. Ông vẫn thường bảo với các con: “Thầy là nhà văn của người nghèo, của làng quê. Lúc thầy mất, muốn về làng, không muốn lên phủ”.
Bìa sách “Kim Lân - Ẩn sĩ giữa làng văn”. |
Nhưng khổ một nỗi, ở quê của nhà văn, nhà cửa, đất hương hỏa đã không còn, chỉ có một mảnh đất nhỏ sót lại nên các con ông bàn nhau trước mắt làm nhà lưu niệm của nhà văn tại số 35 ngõ 424 phố Trần Khát Chân (Hà Nội), còn chuyện đưa ông về với quê hương sẽ phải có một kế hoạch dài hơn.
Ngôi nhà 4 tầng trên diện tích 60m2 sau khi thiết kế lại và được các con ông - họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, Thành Chương, Mạnh Đức, Việt Tuấn, Từ Ninh cùng “xắn tay” lo liệu đã trở thành một không gian ngập tràn những ký ức về Kim Lân.
Với tinh thần làm thế nào để tái hiện được cuộc đời, không khí trong những trang viết của Kim Lân- nhà văn của người nghèo, của làng quê Bắc Bộ nên toàn bộ không gian nhà lưu niệm được bài trí một cách nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng vẫn phản ánh được chất tài hoa “quý hồ tinh bất quý hồ đa” của ông.
Sinh ra ở đồng quê, nhà văn Kim Lân có nhiều trang viết hấp dẫn về thú quê hay những trò vui chơi trên đồng ruộng. Trong những tác phẩm như “Đuổi tà”, “Đôi chim thành”, “Con mã mái”, “Thổi ống suỳ đồng”... các trò dân gian của đồng quê như chọi gà, thả chim, đánh vật... hiện lên là những thú chơi thanh nhã, lành mạnh của những người nông dân.
Một góc Nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân. |
Trong nhà lưu niệm, có một không gian dành cho hoa và chim, những thứ đã được nhà văn xem như thú giải trí đắc lực cho ông suốt những tháng năm sống và viết. Bên cạnh đó là một phần trưng bày những vật dụng gắn bó với ông, từ chiếc mũ, cái tẩu, đôi kính, đôi guốc mộc, cái điếu cày, tấm phản, bộ bàn ghế... đều được đặt ở vị trí trang trọng, như thể vẫn còn hơi ấm của chủ nhân vừa dùng tới.
Hội tụ ký ức
Biết tin khánh thành nhà lưu niệm Kim Lân, từ khắp nơi, những tấm lòng yêu mến, kính trọng ông đã hội tụ bằng những vật phẩm, những món quà tinh thần quý giá không gì so sánh nổi. Nhà xuất bản Kim Đồng đã trao tặng gia đình cuốn sách “Kim Lân - Ẩn sĩ giữa làng văn” của tác giả Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Nhà sưu tập sách Hoàng Minh của CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (TP.HCM) cũng gửi tặng gia đình nhà văn Kim Lân hai cuốn tạp chí Trung Bắc Chủ nhật in năm 1942 có đăng hai truyện ngắn “Cô Via” và “Người kép già” - hai trong số những tác phẩm đầu tay của Kim Lân.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền
Có mặt trong lễ khánh thành tổ chức trang trọng tại công viên Tuổi Trẻ (Hà Nội), nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN chia sẻ: “Nhà văn Kim Lân là một cây bút xuất sắc về đời sống làng quê Bắc Bộ của văn học VN, khi biết các con ông có ý định mở một nhà lưu niệm về nhà văn, bản thân tôi hết sức xúc động và luôn nhắc nhở anh em bạn bè ai có vật phẩm, bút tích, bức ảnh nào liên quan đến nhà văn thì gửi tặng gia đình. Tôi hy vọng nhà lưu niệm của nhà văn sẽ là một địa chỉ văn hóa cho những độc giả yêu mến Kim Lân và yêu mến văn học VN”.
Trong nhà lưu niệm, âm nhạc thường trực được lựa chọn là những làn điệu quan họ cổ do liền chị Thúy Hường - người được vợ chồng nhà văn Kim Lân nhận làm con nuôi thể hiện. Trên tầng thượng của nhà lưu niệm là ngôi nhà sàn do con trai nhà văn - họa sĩ Mạnh Đức tự tay thiết kế, có mặt nước, cây xanh và hoa hồng bạch - loài hoa yêu thích của ông lúc sinh thời.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền- người đã suốt một năm nay vất vả với công việc chuẩn bị cho nhà lưu niệm, chia sẻ: “Nhà lưu niệm sẽ mở cửa quanh năm để đón tiếp sự viếng thăm cũng như tình cảm của mọi người đối với nhà văn Kim Lân”.
Hà Thu