Dân Việt

Nông dân run rẩy xuống đồng

06/01/2012 06:53 GMT+7
(Dân Việt) - Mùa đông năm nay, Hà Nội lần đầu tiên chịu đợt rét đậm và là một trong những địa phương nhiệt độ thường duy trì ở mức trên dưới 10 độ C. Nông dân đang đứng ngồi không yên.

Người trồng rau héo hon

Cánh đồng rau laghim (rau sống) của xã Tân Minh, huyện Thường Tín sáng 5.1 không còn nhộn nhịp như trước đây. Đợt rét đậm, rét hại kéo dài trong mấy ngày qua đã làm những luống rau mùi, cải cúc, diếp cá… sinh trưởng chậm lại.

img
Người trồng rau Hà Nội đang đứng ngồi không yên vì… rét.

Ông Nguyễn Đức Hùng - một nông dân hiếm hoi chúng tôi gặp trên đồng, đôi môi tím tái, cho biết: “Trời rét kéo dài nhiều ngày đã làm cho rau không lớn được mặc dù đã phun một số chế phẩm sinh học an toàn kích thích sinh trưởng”.

Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Tĩnh, tính đến đầu tháng 1.2012, toàn tỉnh đã gieo trên 500ha mạ trà xuân sớm, để cấy trên diện tích gần 5.000ha và trà lúa gieo thẳng là 5.470ha tập trung tại các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của rét đậm kéo dài nên diện tích bắc mạ và lúa gieo thẳng sinh trưởng kém, hơn 260ha đã bị chết. Rét đậm cũng làm 989 con trâu, bò, hươu, dê bị chết, chủ yếu ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang và Kỳ Anh.

Theo ông Hùng, với nhiệt độ trên dưới 10oC như hiện nay, ngay cả các loại rau ưa rét như cải ngọt, cải cúc, xà lách, súp lơ… thời gian sinh trưởng bị kéo dài hơn từ 7 - 12 ngày so với thông thường. Không chỉ thế, mưa phùn ban đêm kèm theo sương muối còn làm cho một số loại rau như xà lách, cải cúc… bị nhũn hoặc dập nát lá.

Người trồng rau ở “thủ phủ” Vân Nội (Đông Anh) mấy ngày nay cũng phải “mắc màn ngủ với rau”. Trên nhiều đồng rau, nông dân đã phải làm lều, dựng bạt để vừa bảo vệ rau vừa tiện chăm sóc trong những ngày rét đậm.

Theo bà Đinh Thị Lý, su hào khi gặp sương muối trong những đợt rét đậm, rét hại rất dễ bị toác củ, lá quăn thậm chí thối gốc. Vì thế buổi sáng phải tưới nước thật sớm để rửa sương, giữ cho rau đẹp mã. Không chỉ nhà bà Lý, dọc cánh đồng rau ở Vân Nội nhiều ruộng rau cải dù cây còn bé, lá còn non nhưng đã bắt đầu… trổ hoa.

Dù bị rét chưa đầy một tuần nhưng ruộng cải ngọt mới gieo được 10 ngày của nhà anh Bùi Văn Dũng (xã Chu Phan, huyện Mê Linh) đã bị lụi dần, lá chuyển sang màu úa vàng.

“Lứa rau này gia đình tôi dự tính thu hoạch khoảng 25 Tết nhưng dính đợt rét này chắc không kịp. Cuối tháng nắng ấm, cả làng, cả xã lại thu hoạch rau thì giá bán chẳng đáng là bao”- anh Dũng giọng run run cho hay.

Chạy đua với vụ đông xuân

Dọc các cánh đồng của huyện Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ… (Thái Bình), hàng trăm diện tích mạ đang có biểu hiện vàng lá do rét và sương muối. Phần lớn diện tích mạ này đang trong thời kỳ 2 lá.

Theo ông Trần Xuân Định - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thái Bình, dù tỉnh đã khuyến cáo nông dân chuyển sang gieo trồng vụ xuân muộn nhưng ở một số địa phương bà con vẫn tự phát gieo mạ cấy xuân sớm.

“Tuy mạ chưa có biểu hiện chết rét nhưng với nền thời tiết hiện tại bà con cần phải che phủ nylon giữ ấm cho mạ”- ông Định khuyến cáo. Được biết toàn tỉnh Thái Bình có khoảng 600ha mạ gieo sớm, chiếm 6-7% tổng diện tích gieo cấy vụ xuân.

Chiều qua, ông Nguyễn Văn Lộc (thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) ra đồng run rẩy bón từng nắm tro cho luống mạ non. Ông cho biết, đúng lịch thời vụ thì khoảng 13 Tết là ra đồng gieo mạ cấy cấy lúa xuân muộn. Vì thế, bây giờ việc chăm sóc mạ tránh chết rét là cực kỳ quan trọng. Nếu không cứu được mạ, thời vụ gieo cấy sẽ chậm và có nhiều hệ quả xấu, nhất là sâu bệnh...

Trao đổi với NTNN về tình hình rét đậm rét hại ảnh hưởng ngành chăn nuôi, ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, tính đến chiều 5.1 chưa có thông tin về thiệt hại của đàn gia súc, gia cầm do rét. Ông Giao cũng cho biết, hiện nhiều địa phương như: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng… đang tích cực triển khai công tác kiểm tra phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm. Cục Chăn nuôi cũng đã trình Bộ trưởng Bộ NNPTNT ký công điện chỉ đạo tăng cường phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm.