Trực tiếp thẩm vấn, tranh tụng trong 13 ngày xét xử, ông Lê Xuân Lộc (trưởng phòng của VKSND tỉnh Phú Thọ) trao đổi với VnExpress về vụ án này.
Ông Lê Xuân Lộc. Ảnh: Phạm Dự
Khi từng lớp hành vi phạm tội bị bóc dần suốt 12 tháng điều tra, là kiểm sát viên tham gia quá trình điều tra ngay từ đầu, ông e ngại gì khi vụ án "chạm" đến những người có chức vụ cao trong ngành công an?
- Khi phát hiện ra những vi phạm của cá nhân, cơ quan ở những cấp cao hơn, chúng tôi ngày càng thấy trách nhiệm của mình. Chúng tôi phải "chiến đấu" bởi khi tội phạm đã xâm nhập vào cả các cơ quan phòng chống tội phạm thì gây ảnh hưởng lớn tới niềm tin trong xã hội.
Chúng tôi xác định phải đấu tranh dù biết rất rủi ro. Nếu chứng cứ không chắc chắn, chúng tôi có thể sẽ phải hy sinh toàn bộ sinh mệnh chính trị của mình khi bị phản cung.
Ông Vĩnh, ông Hóa từng đứng đầu lực lượng phòng chống tội phạm, các cơ quan tố tụng Phú Thọ đã có biện pháp đặc biệt gì khi hỏi cung?
- Chúng tôi không đấu tranh bằng lời khai với họ mà bằng chứng cứ vật chất. Tức là mình đã thu được tài liệu rồi và dùng nó để đấu tranh. Với những người này mà bảo lấy lời khai của họ làm căn cứ buộc tội trong khi chỉ có một phần chứng cứ nhỏ là không thể.
Chúng tôi phải nắm chứng cứ rất chắc thì họ mới nhận tội, bởi họ có kinh nghiệm trong đấu tranh phòng chống tội phạm nên rất biết cách chối tội.
Cựu Cục trưởng C50 bị phạt 10 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ảnh: Giang Huy
Khi ra tòa, cơ quan công tố đã chuẩn bị thế nào với tình huống các bị cáo nhiều kinh nghiệm đối phó này thay đổi lời khai?
- Theo quy định của ngành bao giờ trước khi ra tòa cũng phải chuẩn bị kịch bản, nếu không dự liệu chính xác được tình huống thì sẽ rất nguy hiểm. Trong vụ án này, chúng tôi đã xác định phải chắc chắn ngay từ đầu về căn cứ buộc tội.
Khi bị tạm giam, lời khai của ông Vĩnh, ông Hóa có những lúc không thống nhất. Ví dụ, hôm nay đưa ra chứng cứ này các ông nhận ở góc độ này nhưng mai lại nhận ở góc độ khác. Tại phiên tòa, ông Vĩnh ban đầu nhận tội theo truy tố của cáo trạng nhưng lúc trả lời thẩm vấn có khi lại đổ lỗi cho người khác hoặc nói không biết.
Sau đó, luật sư của bị cáo khi tranh tụng chia diễn biến sự việc liên quan ông Vĩnh thành các giai đoạn nhỏ: Từ không biết, biết và không thể khắc phục được nữa (do lúc này Bộ Công an đã biết). Điều này có nghĩa, bị cáo Vĩnh chỉ có lỗi cố ý gián tiếp. Luật sư muốn chuyển tội danh từ "lợi dụng chức vụ quyền hạn" sang "thiếu trách nhiệm" có mức án nhẹ hơn, mà với tội này nếu không gây thiệt hại về tài sản, không gây thiệt hại về con người thì không phạm tội.
Chúng tôi gọi đó là cái "bẫy" của luật sư và ông Vĩnh. Họ còn trình bày làm sao để VKS công nhận ông Vĩnh thành khẩn khai báo. Và căn cứ việc này, luật sư tranh tụng rằng: Thân chủ của tôi nhận có lỗi cố ý gián tiếp nhưng tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn" chỉ cấu thành hành vi khi đó là lỗi cố ý trực tiếp.
Khi đó, nếu kiểm sát viên không "tỉnh" sẽ "sập bẫy".
Cựu Tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh bị phạt 9 năm tù.
Tại tòa, VKS công bố nhiều văn bản mật do ông Vĩnh ký. Các cơ quan tố tụng Phú Thọ đã thu thập như thế nào?
- Tổng cục Cảnh sát được sự chỉ đạo của Bộ Công an đã cung cấp các văn bản liên quan công ty CNC. Tất cả đều được đóng dấu mật và tuyệt mật.
Qua đó, chúng tôi thấy các bị cáo đã lợi dụng độ mật của văn bản để che giấu hành vi phạm tội. Thực ra với việc lập công ty bình phong có thể có một số người biết song họ đã đóng dấu như vậy để càng hạn chế hơn, do đó khó kiểm soát.
Ở phiên tòa, chúng tôi cần thiết phải chiếu những văn bản mật ấy để chứng minh cựu trung tướng Vĩnh đã chỉ đạo, đồng ý cho Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch CNC) thí điểm tổ chức đánh bạc trực tuyến. Trong khi đó việc cho thí điểm hay không lại thuộc quyền của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.
Ông đánh giá gì về vai trò của cựu Tổng cục trưởng Vĩnh?
- Tôi cho rằng người đứng đầu vụ án là cựu Tổng cục trưởng Vĩnh bởi ông ta có quyền lực, chi phối Cục trưởng Hóa. Với các việc làm của ông Hóa, ông Vĩnh có thể ngăn chặn, xử lý nhưng vẫn để mặc, nghĩa là có sự tiếp tay nghiêm trọng.
Còn ông Hóa đã thao túng cho tổ chức tội phạm của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam hoạt động. Nếu không có sự chống lưng của hai người này, làm sao có chuyện Nguyễn Văn Dương phát hành được game đánh bạc.
Áp lực lớn nhất với ông tại vụ án này?
- Tại giai đoạn một, tôi cho rằng áp lực lớn nhất là để anh em tham gia vụ án vững vàng tinh thần vì các bị cáo có rất nhiều tiền, có thế lực đứng sau tác động.
Vụ án liên quan nhiều người, việc truy tố cần thấu tình đạt lý để làm sao các bị cáo phải tâm phục. Nếu chúng tôi xử lý như vụ án bình thường thì không phải là cách răn đe, giáo dục hiệu quả.
Còn áp lực ở giai đoạn hai là khối lượng công việc quá lớn. Nguyên tắc xử lý của pháp luật phải triệt để, toàn diện, với vụ án có hàng chục nghìn người liên quan thì xử lý thế nào?
Ở giai đoạn một, người đánh bạc từ 25 triệu Rik (tương đương hơn 20 triệu đồng) một phiên trở lên sẽ bị xử lý, vậy giai đoạn hai phải xử lý ở mức độ bao nhiêu? Đây là câu hỏi khó. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng làm tiếp, không nản chí.
Chủ tọa đọc bản án với bị cáo Phan Văn Vĩnh, ngày 30.11.