Dân Việt

Đổi thay vùng cao Bắc Yên

Quốc Tuấn 13/12/2018 14:06 GMT+7
Nhắc tới câu chuyện tình đầy cảm động vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, chúng ta sẽ nghĩ ngay tới vùng cao Bắc Yên (Sơn La)-nơi có những bản đồng bào Mông chon von trên những dãy núi quanh năm được ủ trong sương giá… Thấy bảo, vùng cao Bắc Yên đã đổi thay nhiều rồi. Kết quả đó là nhờ sự quan tâm, đầu tư các chương trình giảm nghèo của Đảng, Nhà nước cho vùng cao, như: Hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, vận động đồng bào loại bỏ được cây thuốc phiện, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...

Thị trấn Bắc Yên 6h sáng những ngày giữa tháng 12, trong cái lạnh đặc trưng của vùng cao, từng lớp sương trắng bạc vẫn giăng đầy trên những đỉnh núi. Sớm và lạnh là thế nhưng khung cảnh vẫn thật sôi động, người qua lại tất bật, thi thoảng bắt gặp từng tốp phụ nữ Mông đeo Lù Cở (Gùi) đầy những sản vật vùng cao, súng sính trong bộ váy sặc sỡ đang xuống chợ. Tuy nhiên, hình ảnh cô gái Mông xuống chợ không phải như trước kia là đi bộ, ngồi trên lưng ngựa mà xuống chợ bằng xe máy-một hình ảnh ai cũng thấy ngỡ ngàng sau nhiều năm trở lại Bắc Yên.

img

Một góc trung tâm xã Tà Xùa với nhiều công trình phúc lợi được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư.

Sự đổi thay đó cũng bắt đầu từ khi tỉnh Sơn La vận động đồng bào phá bỏ cây thuốc phiện kết hợp với đưa các chương trình giảm nghèo và quan tâm đầu tư, nhựa hóa các tuyến đường từng một thời “chồn chân vó ngựa”, chỉ đi được một mùa, khiến cho bao người qua đường phải sờn lòng. Bởi từ ngày có các chương trình giảm nghèo, trong đó đầu tư đường giao thông với tuyến tỉnh lộ 112 ngược lên các xã, bản vùng cao Bắc Yên được trải nhựa, bê tông hóa thì cũng là lúc cuộc sống của đồng bào nơi đây thay đổi.

Rời thị trấn Bắc Yên khi khung cảnh nhộn nhịp hơn và sương bắt đầu rơi. Con đường đất khó đi ngày nào từ thị trấn lên 5 xã vùng cao đã được trải nhựa, đủ cho 2 ô tô tránh nhau. Hình ảnh những vạt nương hai bên đường dẫn lên các xã vùng cao ngày nào trồng đầy cây thuốc phiện đã được thay bằng những thửa ruộng nước bậc thang cùng những dãy nhà xây, hàng quán dịch vụ do chính đồng bào Mông làm chủ mọc lên san sát; những chiếc ô tô tải chở đầy hàng nông sản tỏa ra từ các bản hay những đoàn khách du lịch bằng xe máy từ các nơi đến khám phá vẻ đẹp vùng cao nối đuôi nhau ngược xuôi…

img

Anh Mùa A Tráng, bản Tà Xùa A (xã Tà Xùa), một trong nhiều người Mông đã sắm ô tô tải để chuyên chở nông sản trong vùng.

Dừng chân tại ngã ba Tà Xùa, hướng tay phải đi xã Háng Đồng, tay trái lên các xã Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, phóng tầm mắt ngắm khu vực trung tâm xã Tà Xùa thấy đúng là vùng cao Bắc Yên đổi thay nhiều quá. Ấn tượng nhất là khi hỏi bất kỳ một người dân nào trên đường về cây thuốc phiện đều nhận được những cái lắc đầu cùng câu trả lời “bỏ trồng lâu rồi, trồng là vi phạm đấy”.

Đổi thay ở các xã vùng cao Bắc Yên trong nhiều năm qua không chỉ thể hiện rõ ở việc đồng bào không còn bị lệ thuộc vào cây thuốc phiện mà còn thể hiện rõ khi nơi đây ngoài việc được quan tâm đầu tư các khu chợ phục vụ các phiên chợ vùng cao thì trường học, trạm y tế, trụ sở xã cũng được đầu tư xây dựng khang trang; đường đến các bản đã được bê tông hóa sau khi có các chương trình, dự án của tỉnh.

img

Cán bộ trạm y tế xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên khám bệnh cho người dân.

Chả thế, ông Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa đã phấn khởi khoe khi làm việc với chúng tôi: Các xã vùng cao nói chung, xã Tà Xùa nói riêng đổi thay như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của tỉnh để đồng bào từ bỏ được cây thuốc phiện, từng bước xóa nghèo. Đây chính là một trong những động lực thúc đẩy KT-XH vùng cao phát triển.

Như xã Tà Xùa, nhiều năm qua đã không còn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, bà con tại các bản đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả; có người còn tự đầu tư vốn trồng gần 5ha rừng pơ mu, cây đã to bằng cột điện. Cùng với tăng đàn gia súc, gia cầm các loại lên gần 16.000 con, duy trì trên 140 ha chè Tà Xùa, bà con trong xã đã chuyển đổi lúa nương sang thâm canh trên 200 ha lúa nước hay mua ô tô chuyên chở hàng hóa, xây dựng cơ sở chế biến nông sản và phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch… Đây là một trong những đổi mới về tư duy cũng như cách thức làm ăn kinh tế của người vùng cao sau khi từ bỏ được cây thuốc phiện.

img

Đường về bản Háng Đồng A, xã Háng Đồng đã được bê tông hóa, giúp cho việc đi lại, thông thương hàng hóa của người dân  thuận tiện hơn.

Chia tay Tà Xùa, tiếp tục ngược theo tỉnh lộ 112 đến với các xã vùng cao Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú và Háng Đồng, chúng tôi tiếp tục cảm nhận rõ hơn sự đổi thay nơi vùng cao sương trắng từng bạt ngàn cây thuốc phiện với cái đói cái nghèo cứ. Đúng như lời Chủ tịch xã Tà Xùa, lên vùng cao Bắc Yên lần này, chúng tôi vẫn ấn tượng nhất là đổi thay trong tư duy của đồng bào vùng cao sau khi không còn tái trồng cây thuốc phiện, đó là: Cho con em xuống núi học chữ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, loại bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc hiếu, việc hỷ, không phá rừng và không nghe theo lời kẻ xấu…

img

Trong nhiều năm liên tục, 100% học sinh trong độ tuổi của xã Háng Đồng nói riêng và các xã vùng cao nói chung của huyện Bắc Yên đều được đi học

Rời vùng cao Bắc Yên trong làn sương sớm, tiếp tục bước lại những chặng đường đã qua. Trên đường về, chợt nhớ tới câu chuyện về những đổi thay sau khi có các chương trình giảm nghèo gắn với vận động đồng bào phá bỏ cây thuốc phiện mà anh Thào A Lâu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Háng Đồng khoe với chúng tôi, đó là: Cũng như các xã vùng cao trong huyện, những năm gần đây Háng Đồng đã có những đổi thay nhanh chóng trên nhiều mặt.

Được sự hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo, xã đã vận động đồng bào các bản khai hoang gần 200 ha ruộng nước, trồng trên 100 ha thảo quả và thí điểm trồng hơn 3 ha chanh leo. Về chăn nuôi, đã phát triển tổng đàn gia súc lên gần 4.000 con. Nơi đây từng được coi là “thủ phủ” của cây thuốc phiện thì nay không còn hộ nào tái trồng cây thuốc phiện. Các phong tục tập quán cũ cũng không còn, thay vào đó là nếp sống văn hoá mới. Tại các bản đã có lớp học mầm non đến lớp tiểu học với tỷ lệ 100% trẻ em trong độ tuổi và trẻ em nữ được đi học…