Hôm nay (13.12), Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Vinaconex đã ban hành Quyết định số 405/2018/QĐ-HĐQT về việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh về người đại diện theo pháp luật.
Theo đó, HĐQT Vinaconex phê duyệt Đơn xin từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Đỗ Trọng Quỳnh. Đồng thời, bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Đông giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty.
Cùng với đó, Vinaconex cũng công bố thay đổi người đại diện theo pháp luật của Tổng công ty cổ phần Vinaconex từ ông Đỗ Trọng Quỳnh sang ông Nguyễn Xuân Đông.
Trụ sở chính hiện đặt tại tòa nhà Vinaconex, 34 Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội. (ảnh IT)
Liên quan đến việc biến động nhân sự cấp cao trên, trước đó, ngày 22/11 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức phiên đấu giá cổ phần tại Vinaconex. Tại phiên đấu giá trên, Tập đoàn công nghiệp - viễn thông Quân đội (Viettel) đã bán 94 triệu cổ phiếu và Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán 255 triệu cổ phiếu.
Kết quả, ở phiên đấu giá đầu tiên, Công ty TNHH An Quý Hưng là đơn vị đã trúng đấu giá trọn lô hơn 254,9 triệu cổ phần VCG tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Với giá đấu thành công là 28.900 đồng/cổ phần, An Quý Hưng phải chi tổng cộng hơn 7.366 tỷ đồng cho trọn lô cổ phần trên. Trước khi đấu giá, nhà đầu tư đã đặt cọc số tiền gần 543 triệu đồng.
Đáng chú ý, giá của An Quý Hưng đưa ra mua cao hơn nhiều so với các đối thủ cùng tham gia đấu giá và cao hơn hẳn 56% so với giá cổ phiếu VCG đang giao dịch trên sàn tại cùng thời điểm.
Ông Nguyễn Xuân Đông vừa được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Vinaconex. (ảnh IT)
An Quý Hưng được thành lập năm 2001 với vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà xưởng công nghiệp tại khu vực miền bắc Việt Nam, bất động sản và nhiều lĩnh vực khác. Tổng giám đốc công ty là Nguyễn Xuân Đông.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán, An Quý Hưng tại thời điểm cuối năm 2017 có tổng tài sản chỉ gần 1.000 tỷ đồng, chưa tới 15% giá trị lô cổ phần Vinaconex mà doanh nghiệp này đưa ra trong phiên đấu giá. Điều này cũng được dư luận đặt ra nhiều nghi vấn.
Được biết, Vinaconex là tổng công ty nhà nước đầu tiên thí điểm cổ phần hóa vào năm 2006, và đã đưa cổ phiếu lên sàn HNX vào năm 2008. Với số vốn điều lệ ban đầu năm 2006 là 1.499,8 tỷ đồng, qua 3 lần tăng vốn, hiện nay vốn điều lệ của Tổng công ty đạt 4.417,1 tỷ đồng.
Ngoài xây dựng các công trình, Vinaconex hiện đang là chủ đầu tư một loạt các dự án bất động sản ở Hà Nội và một số tỉnh thành khác trong cả nước.
Đơn cử như, khu đất lớn nhất của Vinaconex có diện tích hơn 2,7 triệu m2 nằm tại Khu CN CNC2 Hòa Lạc. Doanh nghiệp đang triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật…). Dự án có quy mô đầu tư 1.316,7 tỷ đồng và tiến độ thực hiện từ 2014 đến 2020.
Bên cạnh đó, Vinaconex cũng sở hữu khu đất hơn 356.171 m2 tại Khu CN Công nghệ cao 1 (Quốc Oai, Thạch Hòa), được cho thuê mặt bằng và hạ tầng.
Hay, khu đất 32.696 m2 tại An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội này đang được Vinaconex triển khai dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora).
Cùng với các dự án trên, Vinaconex cũng đang thực hiện 2 dự án cải tạo chung cư cũ tại 93, 97-99 Láng Hạ, với tổng mức đầu tư dự kiến lần lượt 949 tỷ đồng và 618,7 tỷ đồng. Đồng thời, công ty đang triển khai dự án chung cư cao 33 tầng tại 25 Nguyễn Huy Tưởng (đầu tư 637,5 tỷ đồng) và Vinata Towers (đầu tư 618,7 tỷ đồng)./.