Đạt và vượt nhiều mục tiêu
Ông Tường cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành, Thành ủy Hà Nội đã ban hành và triển khai thực hiện mạnh mẽ Chương trình hành động số 02-CTr/TU ngày 31.10.2008.
Qua 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết 26, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 của Hà Nội đã đạt 41.741 tỷ đồng (theo giá thực tế), tăng 207,3% so với năm 2008. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 38.076 tỷ đồng, tăng 197,2%; lâm nghiệp đạt 109 tỷ đồng, tăng 184,7%; thủy sản đạt 3.556 tỷ đồng, tăng 357,7% so với năm 2008.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình sản xuất nấm công nghệ cao ở Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Hải Đăng
Đến nay, toàn thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.183ha (đạt 104,2% kế hoạch). Sau dồn điền đổi thửa, Hà Nội đã chuyển đổi được 33.884ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang các mô hình cho năng suất và hiệu quả cao. |
Đặc biệt, trong những năm qua, Hà Nội đã xác định dồn điền đổi thửa là khâu đột phá trong xây dựng NTM và là cơ sở để tập trung tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đến thời điểm này, toàn thành phố có 4/18 huyện đạt chuẩn NTM; 297/386 xã đạt chuẩn NTM (tăng thêm 96 xã, đạt tỉ lệ 76,9%), trong 89 xã còn lại, có 72 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 17 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí.
Với thành tích trên, Hà Nội được T.Ư đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến nay đạt 43,16 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 5,4 lần so với năm 2008.
Năm 2018, Hà Nội có khoảng 30 xã đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM. Dự kiến chương trình sẽ đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Xây dựng NTM gắn với đô thị văn minh
Cũng theo ông Tường, từ thực tiễn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của T.Ư, TP.Hà Nội rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về mục tiêu, phương châm, cách làm, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tích cực tham gia xây dựng NTM với tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao.
Theo ông Tường, trong giai đoạn tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển các ngành công nghiệp - dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, văn minh, hiện đại; đổi mới cơ chế, chính sách và tổ chức sản xuất ở nông thôn...
Về nâng cao đời sống nông dân, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng nhanh năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới...