Chuyển đổi cơ cầu cây trồng
Ông Triệu Văn Hòa là một trong những hộ dân mạnh dạn thay đổi sản xuất ở xóm Đồng Khụ, xã Thống Nhất, thành phố Hòa Bình. Ông là người Dao đầu tiên của xóm chuyển mía sang trồng bưởi. Năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng nom ông còn khỏe lắm.Ngày ngày ông vẫn vào vườn bưởi để chăm sóc cây.
Ông Hòa bên vườn bưởi 5 năm tuổi của gia đình.
Triệu Văn Hòa hiện đang trồng 350 gốc bưởi năm thứ 4, trong đó có 200 gốc bưởi da xanh, 150 gốc bưởi đỏ ( diện tích khoảng 4 ha). Đất mới, bưởi được chăm sóc kỹ càng theo phương pháp khoa học, cây khỏe lá xanh, chỉ vụ tới cũng hứa hẹn cho cả trăm triệu đồng. Kế bên là mô hình trang trại tổng hợp trồng các loại cây ăn quả, vườn rừng, kết hợp với chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Biều rộng hàng chục ha, trong đó có tới 10 ha bưởi đã bước vào năm thứ 4-5, được áp dụng kỹ thuật trồng bưởi sạch, một phần diện tích cũng đã cho thu hoạch đang mang lại hiệu quả khá cao.
Cũng giống như ông Hòa, anh Triệu Văn Quyền cũng đã trồng được 600 cây bưởi đỏ và bưởi da xanh.Năm nay vườn bưởi đã bắt đầu cho ra quả bói. Theo anh Quyền, trồng cây lâu năm phải đầu tư dài hạn, nhưng khi đã có thu rồi, người trồng cứ ung dung mà thu tiền. “Những năm trước đây tôi trồng mía, trồng sả trên diện tích này thu nhập chẳng đáng là bao.Nay trồng bưởi hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần”, anh Quyền chia sẻ.
Đậu Khụ là xóm khó khăn nhất của xã Thống Nhất chỉ cách trung tâm xã chừng khoảng 4 cây số đường bộ. Năm 2010 trở về trước, thôn Đậu Khụ như cách biệt và cô lập với bên ngoài, từng được ví là quầng tối nơi chân đèn, là xóm không đường, không trường, trạm, đến được xóm phải vượt một số con dốc cao tức ngực, mùa mưa trơn, trượt, lầy lộ, qua nhiều ngầm và phải mất cả tiếng đồng hồ. Đặc biệt điều kiện sản xuất khó khăn, diện tích đất rừng, núi đá nhiều, lại dốc, đất không giữ được nước, cuộc sống người dân chìm trong khó khăn.
Chủ tịch UBND xã Thông Nhất Bùi Văn Đừng cho biết: Năm 2012, Đậu Khụ bắt đầu thay đổi, Nhà nước làm đường giao thông tới tận cuối xóm, tiếp đến xóm được kéo điện lưới quốc gia, cùng với đó là một số công trình hạ tầng khác nước sạch, triển khai một số mô hình sản xuất, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, hiện đang tiếp tục đầu tư đường giao thông nhánh 2 trong nội thôn để bà con phát triển sản xuất và cải thiện cuộc sống. Từ khi có đường đường giao thông, xả, mía, bưởi, luồng, sản phẩm chăn nuôi, giao thương rất thuận lơi, đến trung tâm xóm chỉ khoảng 15 phút.
Từng bước xóa nghèo
Năm 2013, toàn tỉnh Hòa Bình có 36 thôn bản thuộc diện khó khăn nhất, với tỷ lệ hộ nghèo rất cao, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu, hoặc chưa có, thu nhập và mức sống người dân rất thấp. Bình quân chỉ đạt 4,5 triệu đồng/người/năm, đạt đạt từ 25-30% mức thu nhập bình quân của tỉnh. Cá biệt có thôn dưới mức 3 triệu đồng/người/năm như thôn Kế xã Mường Chiềng (huyện Đà Bắc), thôn Chếch xã Đông Lai (huyện Tân Lạc). Tỷ lệ hộ nghèo các thôn bản cũng rất cao, bình quân tới 60,9%, (nếu tính cả hộ cận nghèo thì tỷ lệ này là 84, 94%). Cá biệt như thôn Kế xã Mường Chiềng tỷ lệ 95,6%; thôn Khuộc, xã Cao Dăm tỷ lệ 92,6%; thậm chí tới 100% hộ nghèo và cận nghèo như Thôn Thung Vòng, xã Do Nhân, huyện Tân Lạc.
Cây bưởi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân ở Đồng Khụ.
Ngày 20.1.2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh. Theo đó xác định nguồn vốn đầu là 133,9 tỷ đồng trên cơ sở lồng ghép các nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ cho các thôn, bản khó khăn nhất có điều kiện cải thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn của 36 thôn, bản khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình.
Ban Dân tộc đơn vị được giao chủ trì đã phối hợp với các sở, ngành chức năng, chính quyền các địa phương khảo sát triển khai các nội dung của đề án và đã đạt những kết quả tích cực cải thiện và nâng cao đời sống người dân. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của các thôn bản đã đạt được mục tiêu của đề án, bình quân giảm 5%/năm ( bình quân từ 41% ( năm 2014) giảm còn 31% năm 2018). Các thôn, bản đã có đường giao thông. 100% thôn, bản có công trình điện; phát triển sản xuất cơ bản đã đáp ứng nhu cầu vốn đề án với giá trị thực hiện hỗ trợ đạt 100% so với nhu cầu đề án được duyệt.
Mặc dù vậy, việc thực hiện đề án còn nhiều khó khăn, nhiều mục tiêu chưa đạt được. Việc bố trí ngân sách đầu tư mới chỉ đạt hơn 66,2 tỷ đồng, chiếm khoảng 49,% nhu cầu đề án, trong đó chủ yếu dựa vào nguồn vốn 135. Từ nguồn vốn này đã thực hiện đầu tư xây dựng 38/102 công trình giao thông, thủy lợi, nhà sih hoạt cộng đồng, điện, giáo dục. Thu nhập bình quân đầu người các thôn bản mới đạt 50% so với mục tiêu đề án đề ra. Mới chỉ có 2/36 thôn, chiếm 5,5%, tổng số thôn bản ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Vẫn còn trên 50% hạng mục chưa được đầu tư, một số thôn bản vẫn chưa có đường ô tô tới thôn, các công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh chưa được đầu tư, hệ thống trường học, nhà văn hóa thôn bản, hệ thống kênh mương tươi tiêu...còn thiếu và bị xuống cấp. Các mô hình sản xuất đã bước đầu phát huy hiệu quả nhưng còn ít, tính lan tỏa còn thấp.
Trong 2 năm 2017-2018, đề án hầu như không được lồng ghép, bố trí vốn chương trình 135 và các nguồn vốn khác, ảnh hưởng thực hiện mục tiêu đề án, chương trình đã đề ra. Bên cạnh đó, trong 2 năm qua, các thôn, bản đặc biệt khó khăn bị ảnh hướng nghiêm trọng bởi mưa lũ, thiên tai, sạt lở đất, đã phá huy cơ bản hạ tầng, sản xuất, khiến đời sống nhân dân các thôn bản vốn đã khó khăn nay lại càng cơ cực. Đặc biệt có những thôn, bản như xóm Sổ xã Trung Thành; thôn Nhạp xã Đồng Ruộng ( Đà Bắc)…
Trưởng Ban Dân tộc Hoàng Quang Minh cho biết: Ban Dân tộc đang phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện tham mưu cho UBDN tỉnh rà soát đánh giá thực trạng đời sống KT-XH, biến động dân cư, đơn vị hành chính khu vực 36 thôn bản đặc biệt khó khăn và các thôn, xóm khác trong phạm vi thôn bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 900/QĐ-TTg ngày 20.6.2017 phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 và Quyết định 414/QĐ-UBDT ngày 11.7.2017 phê duyệt danh sách các thôn ĐBKK vào diện đầu tư của chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Tiếp tục triển những nội dung theo Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 20.1.2014 và văn bản số 427/UBND-NNTN ngày 10.5.2016 của UBND tỉnh. Trong đó lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn chương trình 135 và chương trình NTM để đầu tư hạ tầng thiết yếu, chú trọng đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo của các thôn bản khó khăn nhất tỉnh.