Lứa tuyển thủ ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo có độ tuổi trung bình trẻ nhất trong lịch sử (23,69), trẻ hơn cả đội tuyển Việt Nam từng vô địch AFF Cup 2008 (24,95). Vì vậy, áp lực tâm lí là một trong các vấn đề mà các cầu thủ này có thể gặp phải.
Trước trận đấu lớn nhất năm của bóng đá Việt Nam, Như Thành đã chia sẻ vài kinh nghiệm cho thế hệ đàn em.
"Tuyển Việt Nam của năm 2008 rất vững vàng về mặt tâm lý. Nhưng nói thật ở những trận đấu như thế này khó tránh được sự căng thẳng. Trận chung kết lượt về năm 2008, tôi khó ngủ đến 3h sáng, khi chuông đồng hồ báo 6h sáng thì phải dậy", anh hồi tưởng lại.
"Căng thẳng lắm! Áp lực từ nhiều phía. Vấn đề là cầu thủ tự xử lý thế nào thôi".
"Không riêng tuyển Việt Nam, tuyển Malaysia cũng tâm lý như chúng ta. Nhưng đội nào bản lĩnh và vượt qua được thì chiến thắng. Mỗi cầu thủ có cách giải quyết tâm lý khác nhau. Tôi ngày xưa nghĩ đến chuyện khác ngoài bóng đá cho dễ ngủ.
"Các em nên quên trận chung kết lượt về bằng cách gặp bạn bè để cà phê hay nói chuyện, tâm sự với gia đình. Điều này giúp cầu thủ trở nên thoải mái và thư giãn".
"Thế hệ 2008" đã lên ngôi vương Đông Nam Á ở độ tuổi tương đương với lứa cầu thủ hiện tại.
Khi được hỏi về sự khác nhau giữa thế hệ cầu thủ Việt Nam của năm 2008 và năm 2018, Vũ Như Thành đã đưa ra nhận định của riêng anh.
"Thật ra chỉ khác biệt về hệ thống phòng ngự thôi. Năm của tôi là chơi 4 hậu vệ, trong đó có 2 trung vệ. Năm 2018 là 3 hoặc 5 hậu vệ, trong đó chỉ còn 3 trung vệ khi tấn công và chuyển sang 5 hậu vệ khi phòng ngự".
"Nếu tuyển Việt Nam của năm 2018 vô địch AFF Cup thì đây mới là Thế hệ vàng. Chúng tôi đã vô địch năm 2008 nhưng tôi và đồng đội không có kỳ tích như giải U23 châu Á của các em", Thành "kếu" khiêm tốn.
"Còn Thế hệ vàng của Hồng Sơn, Huỳnh Đức… là cụm từ người hâm mộ đặt cho thế hệ đàn anh đi trước. Thế hệ vàng phải đi cùng với thành tích. Rõ ràng các em có tài năng và nếu đăng quang giải đấu này, các em xứng đáng với cách gọi ấy", Như Thành chốt lại.