Dân Việt

Người phát tán clip nóng, bị xử lý thế nào?

Bảo Uyên 14/12/2018 21:07 GMT+7
Người phát tán clip "nóng" trên mạng internet, dẫn đường link clip "nóng" trên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?

Thời gian gần đây, nhiều đoạn clip nóng hay đường link để download các đoạn clip nóng được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích kẻ phát tán bởi các đoạn clip có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các nhân vật trong clip, cũng như xâm hại đến trật tự công cộng, bởi đây là hành vi tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy.

Ai là người đã phát tán clip nóng này? Hành vi của người phát tán đoạn clip này có thể bị pháp luật xử lý ra sao? Đây là những câu hỏi nhiều người đặt ra.

Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Phạm Quang Xá – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: “Đối tượng tung clip đồi trụy lên mạng xã hội có thể là một trong hai người hoặc cả hai người trong cuộc chia sẻ. Thứ hai, có thể clip đã bị rò rỉ cho người khác. Những người này sau khi biết được, vì một động cơ nào đó (như ghen ghét, trả đũa, tống tiền,…) đã phát tán, chia sẻ công khai.

Nhưng dù là người trong cuộc hay người ngoài cuộc đăng tải thì hành vi đưa hình ảnh, clip có nội dung nhạy cảm, đồi trụy lên mạng xã hội đều là vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi này có thể xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự".

img

Clip nóng của cặp đôi ở Hòa Bình được chia sẻ 1 cách nhanh chóng trên mạng xã hội. Ảnh minh họa

Điểm d Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ- CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đã quy định nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Trong trường hợp chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, hành vi của người phát tán clip nóng trong nhà nghỉ của cặp đôi tại Hòa Bình sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, người đăng tải clip sẽ có thể bị phạt từ 30-50 triệu đồng.

Trong trường hợp xét thấy, tính chất, mức độ, hành vi của người phát tán clip nóng (dù là người trong cuộc hay người khác) đã đủ cấu thành tội phạm thì người này có thể bị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này chiếu theo quy định tại Điều 326 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo luật sư Quang Xá, với mức độ lan tỏa chóng mặt của mạng xã hội trong thời điểm hiện nay, người phạm tội có thể bị truy cứu với mức hình phạt từ 7 năm đến 15 năm.

Điểm b Khoản 4 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP

 “4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

…b) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung cờ bạc, lô đề hoặc phục vụ chơi cờ bạc, lô đề; dâm ô đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc”.

“Điều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy

Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

1.Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);

b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;

c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;

d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);

c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;

d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;

đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người;

e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;

g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;

b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;

c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;

d) Phổ biến cho 101 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”