Không có trường hợp tái nghèo
Ấp Xẻo Trâm (xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp) từng được biết đến là một trong những địa phương nghèo nhất tỉnh Hậu Giang.Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, hiện tại nơi đây đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt là hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho việc đi lại cũng như trao đổi hàng hóa của người dân.
Cán bộ Ngân hàng và Phòng LĐTBXH huyện Vị Thủy thăm mô hình nuôi cá của người dân.
Gia đình ông Lê Văn Tiếng cũng giống như nhiều hộ dân khác trong ấp, trước đây thường xuyên phải chạy ăn từng ngày. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, cộng thêm sự cố gắng vươn lên,gia đình ông Tiếng đã vượt qua khó khăn, thoát khỏi cảnh nghèo và xây dựng được căn nhà vững chãi.
Tương tự, ở ấp 10 (xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ) cũng có sự chuyển mình theo hướng tích cực. Những con đường đất ngày nào đã được bê tông hóa, những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp mọc lên, nhiều hộ mua được xe máy, ti vi, tủ lạnh…Từ đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn vốn nghèo khó trước đây.
Ông Danh Mươi - Trưởng ấp 10, cho hay: “Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong ấp đã được nâng lên đáng kể những năm gần đây. Nếu như đầu năm 2016, toàn ấp có 393 hộ nghèo thì đến cuối năm 2017, con số này giảm mạnh, đặc biệt không có trường hợp tái nghèo”.
Sáng tạo trong cách làm
Theo bà Hồ Thu Ánh - Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐTBXH) tỉnh Hậu Giang, tỉnh đã cử cán bộ nắm tình hình và chia các trường hợp nghèo thành hai loại: Nghèo do không có phương tiện sản xuất và nghèo do chưa chịu khó lao động.
Trồng tiêu dưới tán tràm được xem là một mô hình giúp thoát nghèo hiệu quả
Theo đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể, địa phương sẽ có hướng hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả nhất. Đối với những trường hợp nghèo do không có phương tiện sản xuất, tỉnh kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp cho bà con. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn bà con cách làm ăn hiệu quả.
“Riêng với trường hợp nghèo do chưa cố gắng lao động, tỉnh triển khai mô hình đối thoại để khơi dậy tinh thần tự lực của bà con. Tuy mới được triển khai thực hiện từ năm 2016 nhưng hiệu quả mang lại của mô hình rất cao” - bà Ánh cho biết.
Tại buổi đối thoại với hộ nghèo do Sở LĐTBXH tỉnh Hậu Giang phối hợp với một số sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tổ chức tại xã Hỏa Lựu (TP.Vị Thanh), chúng tôi nhận thấy một không khí rất thân tình. Đại diện các ngành chức năng lắng nghe, trực tiếp trả lời kiến nghị, giải đáp những thắc mắc cũng như những vấn đề còn tồn tại liên quan đến các chính sách đối với hộ nghèo.
Theo ông Nguyễn Ngọc Lợi - Phó chủ tịch UBND xã Hỏa Lựu, từ ngày có mô hình đối thoại đã giúp lãnh đạo các cấp nắm được nguyện vọng của người nghèo; đồng thời, hộ nghèo thấy được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với đời sống của mình, từ đó cố gắng phấn đấu vươn lên. Ngoài ra, chính quyền có điều kiện giới thiệu một số mô hình làm ăn hiệu quả đến bà con, hướng đến giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang còn thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật… Gia đình Nguyễn Hoàng Anh ở ấp 6, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, một trong những hộ điển hình cho phong trào trả lại sổ nghèo ở địa phương. Trước đây, do không có tư liệu sản xuất, anh Hoàng Anh phải đi làm thuê kiếm sống. Thấy được hoàn cảnh của anh, địa phương đã kết hợp với Ngân hàng CSXH hỗ trợ gia đình vay 30 triệu đồng với lãi suất thấp để chăn nuôi bò.
Anh Hoàng Anh chia sẻ: “Khi mới thực hiện mô hình, huyện cử cán bộ hướng dẫn cách chăm sóc, tiêm ngừa đầy đủ vì thế bò phát triển rất tốt. Lứa bò đầu tiên tôi bán và thu lãi hơn 20 triệu đồng. Với số vốn này, tôi vay thêm tiền để mua hai con bò sinh sản về nuôi, vừa trả được nợ, vừa có tiền mua thêm bò. Hiện nay, đàn bò của gia đình tôi đã lên đến 10 con, cuộc sống cũng ngày càng phát triển”.
Bên cạnh các chính sách giúp dân thoát nghèo, chính quyền địa phương còn luôn quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời cử cán bộ theo dõi để kịp thời hỗ trợ khi người dân cần. Nhờ đó, đầu năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hậu Giang chiếm 12,48%, đến cuối năm giảm còn 9,63%, đặc biệt không có trường hợp nào tái nghèo. |