Dân Việt

Sự thật gây sốc về trận chiến Xích Bích trong Tam quốc

Ngô Du 15/12/2018 10:47 GMT+7
Trận chiến Xích Bích mà ta biết ngày nay hoàn toàn dựa vào những mô tả của La Quán Trung trong Tam quốc diễn nghĩa. Tuy nhiên, trên thực tế, những nhận thức lịch sử của La Quán Trung không hoàn toàn sát hợp với ghi chép lịch sử.

Trần Thọ ghi chép về trận chiến này lại quá vắn tắt và rời rạc, nhưng khi thu nhặt các ghi chép vắn tắt và rời rạc đó, một bức tranh cơ bản vẫn hiện ra, và nó khác rất nhiều so với bức tranh mà La Quán Trung tạo dựng.

Tào Tháo ngồi chờ

Nếu như con đường đi đến trận chiến Xích Bích bên phía Tôn Quyền là khá rõ ràng thì bên phía Tào Tháo lại hết sức mờ mịt. Lẽ đơn giản, đây là trận chiến mà Tào Tháo thất bại. Người trong cuộc tất nhiên là không muốn nhắc đến, mà những sử gia lấy nhà Ngụy làm chính thống cũng không cần thiết phải mô tả kỹ lưỡng một thất bại quân sự to lớn của nhà Ngụy. Ảnh hưởng của ghi chép tiểu thuyết càng làm lệch đi nhận thức của hậu thế về trận chiến ấy.

Tam quốc diễn nghĩa nói rằng sau khi tiến tới Giang Lăng, Tào Tháo đã quyết tâm truy đuổi Lưu Bị và do đó đã đưa quân tiến về phía đông. Đại quân của Tào Tháo “phía tây liền Kinh, Thiểm, phía đông tới Kỳ Hoàng”. Nhưng mô tả này lại bất hợp lý. Vì Tào Tháo sẽ gần như là bất động chờ liên quân Tôn-Lưu tới đánh.

Chí ít nếu không giao chiến trực tiếp trên sông thì với quân số và bố trí từ sớm như thế, Tào Tháo vẫn có thể tiến hành đổ bộ sang bờ bên kia và uy hiếp Giang Đông bằng đường bộ. Đây cũng là điều được Vương Xán nhắc đến trong Anh hùng ký. Vương Xán chính là người đã thuyết phục Lưu Tông đầu hàng Tào Tháo.

Thế nhưng Tào Tháo hoàn toàn không làm gì cả. Và điều này mới là đúng với ghi chép của Trần Thọ: sau khi chiếm Giang Lăng, Tào Tháo gần như không làm gì cả. Nguyên nhân hết sức đơn giản, với Tào Tháo thì mùa chiến dịch đã qua.

Khi chú giải binh pháp Tôn Tử, Tào Tháo đã nói rằng thời điểm lý tưởng để tiến hành một chiến dịch là mùa thu. Tào Tháo khởi sự chiến dịch đánh Kinh Châu vào tháng bảy, đến Giang Lăng vào tháng chín, nghĩa là trọn vẹn trong mùa thu. Đến đầu tháng mười hai (gần cuối đông) mới nổ ra trận chiến Xích Bích.

img

 Tào Tháo nhìn về núi Nam Bình trước trận Xích Bích.

Trong Vũ đế kỷ, Trần Thọ cho biết “tháng mười hai, ... Công từ Giang Lăng đi đánh Bị, tới Ba Khâu” rồi sau đó mới “tới Xích Bích, cùng Bị giao chiến”. Tào Tháo không phải là trú đóng ở Xích Bích ngồi chờ liên minh Tôn-Lưu, mà là đang trên đường hành quân về phía đông thì chạm mặt Tôn-Lưu. Chính vì vậy có người nói rằng trận chiến Xích Bích là một trận tao ngộ chiến. Nói như vậy là có cơ sở sử liệu, đồng thời cũng hợp với logic.

Lúc Tào Tháo đến Giang Lăng thì mùa chiến dịch đã qua. Gia Cát Lượng nói rằng Tào Tháo đưa khinh kỵ đi ba trăm dặm, đã phạm vào cấm kỵ của binh pháp. Tào Tháo biết rõ điều đó. Chu Du nói rằng vào lúc tiết đông đang thịnh, ngựa không có cỏ. Tào Tháo cũng biết rõ điều đó. Chính vì vậy Tào Tháo đã nghỉ quân ở Giang Lăng. Hơn nữa, Tào Tháo còn rất nhiều việc phải làm ở Kinh Châu.

Đòn đánh ngoại giao

Tào Tháo dừng quân ở Giang Lăng, đã tranh thủ giải quyết nhiều vấn đề nội trị và ngoại giao. Tào Tháo phải vỗ về những nhân sĩ mới đầu hàng tại Kinh Châu, đồng thời phải xử lý vấn đề giao thiệp với Lưu Chương. Cứ như lời Trần Thọ trong Tam quốc chí, Lưu Chương nghe tin Tào Tháo tiến đánh Kinh Châu, đã lần lượt sai Trung lang tướng Âm Phổ tới bày tỏ lòng tôn kính, rồi sau đó lại phái Tòng sự Trương Túc đem ba trăm Tẩu binh (một nhánh dân thiểu số Ích Châu, rất tinh nhuệ) tới chỗ Tháo, rồi Biệt giá Trương Tùng cũng tới gặp Tào Tháo.

Tào Tháo đã có được sự thần phục của Lưu Chương ở Ích Châu, nên hiển nhiên cũng xoay mặt về phía đông muốn tìm kiếm sự thần phục của Tôn Quyền. Lá thư Tào Tháo gửi sang đòi hội săn ở đất Ngô chính là nằm trong ý đồ đó.

Về khía cạnh này, Tô Đông Pha đã hết sức phê bình Tào Tháo. Trong Lịch đại danh hiền xác luận, Tô Đông Pha nói rằng: “Ngụy Vũ giỏi liệu việc mà không giỏi liệu người. Bởi thế nên có lúc coi trọng đối phương mà công lao tiêu tán, có lúc coi nhẹ đối phương mà đi đến chỗ bại”. Ông cho rằng Tôn Quyền “dũng mà có mưu; người ấy không thể dùng thanh thế hò hét mà chiếm được”.

Nhà bình luận hiện đại là Dịch Trung Thiên cũng cho rằng Tào Tháo sai lầm khi gửi lá thư đó, vì nó ép Tôn Quyền từ chỗ do dự đến chỗ quyết tâm đánh Tào Tháo. Rõ ràng là sau khi đánh bại hai kẻ địch lớn mà Tào Tháo trăn trở nhất là Viên Thiệu và Lưu Biểu, thì Tào Tháo đã cho rằng thiên hạ chẳng còn ai là đối thủ. Nhất là lúc này kẻ “anh hùng” sánh với Tào Tháo đã chạy ra Hạ Khẩu, sự diệt vong chỉ trong sớm tối.

Trong Lưu nhị mục truyện, Trần Thọ cũng nói rằng sau khi Tháo tới Giang Lăng, đã bắt đầu đối đãi sơ sài với sứ giả của Lưu Chương. Nguyên nhân chủ yếu thì như Tập Tạc Xỉ nói, là do Tháo “cậy tài khoe công”, nên không ban chức tước cho Trương Tùng. Trương Tùng oán hận đã quay về nói xấu Tào Tháo. Đó chính là mầm mống để Tào Tháo mất Ích Châu vào tay Lưu Bị, cũng đồng thời là mầm mống khiến Tào Tháo bại trận ở Xích Bích.

Tào Tháo muốn thu phục Giang Đông bằng đòn ngoại giao là cũng có cơ sở. Thứ nhất, Tôn Quyền trẻ tuổi, cũng giống như Lưu Tông. Tào Tháo cho rằng có thể dọa được. Thứ hai, Tào Tháo nghĩ rằng mình có nội ứng. Tên nội ứng đó chính là Trương Hoành – người đề xuất thu phục Tôn Quyền bằng biện pháp chính trị.

img

 Tô Đông Pha cho rằng Tào Tháo giỏi liệu việc mà không giỏi liệu người.

Thứ ba, Giang Đông đã có truyền thống thần phục triều đình ngay từ khi gây dựng. Trên thực tế là nhóm Trương Chiêu, Tần Tùng đã đề xướng đầu hàng, Tôn Bôn toan gửi con tin, võ tướng cũng nhiều người muốn hàng. Tào Tháo tiên lễ hậu binh cũng là đúng lẽ, so với việc Hàn Tín thắng Triệu rồi truyền hịch bình định nước Yên là giống hệt nhau. Vả chăng Tôn Quyền đã có ý định liên hợp Lưu Bị ngay từ khi vừa nghe tin Lưu Biểu chết, căn bản không cần đến Tào Tháo bức bách.

Tào Tháo đổi ý

Sự im lặng của Tôn Quyền có lẽ đã là câu trả lời cho chính sách thu phục bằng ngoại giao của Tào Tháo. Ngay trong số các mưu sĩ của Tháo cũng đã có người nhận ra sẽ có liên minh Tôn-Lưu. Theo Tam quốc chí, Trình Dục truyện, có người cho rằng Tôn Quyền tất sẽ giết Lưu Bị (giống như Công Tôn Khang đã chém đầu Viên Hi, Viên Thượng). Tuy nhiên Trình Dục lại đoán rằng Tôn Quyền sẽ liên minh với Lưu Bị.

Nguyên nhân chủ yếu là Tôn Quyền mới nắm quyền, chưa được mọi người tin tưởng, mà Tào Tháo thanh thế chấn động. Tôn Quyền không thể một mình chống lại Tào Tháo. Lưu Bị có tiếng anh hùng, Quan Vũ, Trương Phi là vạn nhân địch. Tôn Quyền sẽ dựa vào bọn họ để làm vốn chống Tào. Mọi việc quả nhiên đúng như lời của Trình Dục.

Trần Thọ không nói rõ Tào Tháo có ý kiến thế nào về lời của Trình Dục. Nhưng việc Tào Tháo cất quân đi từ tháng mười hai cho thấy Tháo cũng đã nhận ra nguy cơ từ liên minh Tôn-Lưu và muốn phá vỡ liên minh đó trước. Trong Vũ đế kỷ, Trần Thọ cho biết Tôn Quyền giúp đỡ Lưu Bị, nên phái binh tới đánh Hợp Phì.

Tào Tháo bèn từ Giang Lăng dẫn quân tới Ba Khâu, phái tướng quân Trương Hí tới cứu Hợp Phì, còn mình thì kéo đến Xích Bích giao chiến với Lưu Bị.

Cả Tôn Thịnh lẫn Lư Bật đều cho rằng việc Tôn Quyền đánh Hợp Phì là sau trận Xích Bích, và như vậy ghi chép của Trần Thọ ở chỗ này là nhầm lẫn. Nhưng không loại trừ khả năng có một tin đồn kiểu như vậy đã kích thích Tào Tháo phải ra tay trước, vì mùa đông vẫn chưa chấm dứt mà Tào Tháo lại ra quân.

Cuộc chiến Xích Bích là diễn ra vào những ngày đầu tiên của tháng chạp năm Kiến An thứ mười ba (công nguyên năm 208). Cuộc chiến Xích Bích đã quá nổi tiếng, nhưng có một vấn đề đã gây tranh cãi suốt từ thời Tống đến tận ngày nay. Rốt cuộc Xích Bích là ở chỗ nào?