Là con cả của một gia đình nghèo túng, bố mẹ triền miên ốm đau, bệnh tật, các em vẫn còn quá nhỏ, em mặc nhiên trở thành “lao động chính” trong nhà từ cách đây 8 năm, khi mới bước vào lớp 1. Căn nhà nhỏ của gia đình em vôi vữa đã long tróc từng mảng, quanh năm chống chếnh không có thứ gì đáng giá ngoài 3 chiếc giường cũ kỹ cùng 1 chiếc hòm gỗ đã gần mục vừa để chứa thóc vừa làm ban thờ.
Sau giờ học, em Hương tranh thủ làm mặt nai. |
Bố em bị bệnh u não, liệt một cánh tay, lưng gù và tinh thần bất ổn nên thường cáu gắt và gần như không thể lao động. Mẹ em cũng mắc bệnh sỏi gan đã mấy năm nay, thường xuyên đau yếu phải kiêng việc nặng. Em tập cấy từ khi 5 tuổi, khi đã thạo thì dạy cho các em rồi mấy chị em bảo nhau vừa đi học, vừa đảm nhận dần những phần việc nhà, việc đồng hộ bố mẹ.
Nhà có tới 7 miệng ăn, các con đều đến tuổi đi học, không có lao động khỏe mạnh lại thường xuyên phải đến bệnh viện, nên quanh năm nhà em phải ăn cơm độn ngô, khoai và những khoản vay nặng lãi cũng vì thế mà ngày càng nhiều lên, chưa biết đến khi nào mới trả nổi...
Đã nhiều năm rồi, em và mẹ nhận thêm dán mặt nai (dùng để làm hàng mã) về làm để có thêm thu nhập. Làm mặt nai đòi hỏi nhiều thời gian, sự tỉ mẩn, qua một loạt những công đoạn từ hòa xi măng với cát rồi dập vào khuôn, qua một đêm đợi cho khô rồi mới đổ ra, quết xi nước, đợi khoảng 5 ngày nữa cho khô rồi mới quết điệp và dán giấy báo vào. Công việc tưởng là phụ ấy nhưng lại là nguồn thu chính cho cả nhà em vì mỗi sản phẩm mặt nai được trả công 80 đồng, mỗi ngày em và mẹ làm được khoảng 400 sản phẩm, cũng có được 30.000 - 40.000 đồng.
Hàng ngày, tan học về, mấy chị em lại vùi đầu vào việc dán vàng mã để kiếm tiền. Những lúc bố mẹ trở bệnh, mấy chị em động viên nhau làm cả đêm để sáng hôm sau dậy sớm kịp giao hàng, nhận 50.000 đồng tiền công để mua thuốc rồi mới đến trường.
Tuy cuộc sống vất vả nhưng điều mà em vui nhất là các em của em đều rất ham học, riêng em suốt những năm học từ cấp 1 đến cấp 2 luôn đạt kết quả giỏi, thi đỗ vào lớp chọn của trường. Sống trong sự đùm bọc của xóm làng, sự động viên, giúp đỡ của các thầy cô, đặc biệt là nhà trường đã miễn giảm một nửa tiền học phí và không thu tiền học thêm của mấy chị em nên con đường đến lớp của chúng em cũng bớt phần nào khó khăn...
Một đôi lần có những đoàn khách, nhà báo tìm đến thăm, tìm hiểu hoàn cảnh của gia đình em, họ có hỏi rằng em ước mơ điều gì? Khi ấy em đã trả lời rằng, em mơ ước có thể tiếp tục được đến lớp để sau này trở thành cô giáo dạy văn, để có tiền lương lo cho các em và bố mẹ. Với tuổi 14 của em, ước mơ đó đang rất xa, còn giờ đây, khi cái Tết đã đến rất gần, điều mà em mong mỏi là dán được thật nhiều mặt nai, kiếm được đủ tiền để sắm cho bố mẹ và các em một cái tết có bánh chưng, thịt lợn và cả những bộ quần áo mới...
Em Nguyễn Thị Hương - xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Kinh Bắc (ghi)