Dân Việt

Điểm trùng hợp thú vị giữa Bầu Đức - bầu Thắng trong 2 lần Việt Nam vô địch AFF Cup

P.V 17/12/2018 06:10 GMT+7
Có một sự trùng hợp thú vị giữa bầu Đức và bầu Thắng. Năm 2008, bầu Thắng đã mời ông Henrique Calisto làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, sau đó đội tuyển Việt Nam đã đăng quang AFF Cup 2008. Cuối năm 2017, bầu Đức mời ông Park Hang-Seo về dẫn dắt đội tuyển, và Việt Nam vô địch AFF Cup 2018.

2 thập kỷ gắn bó với bóng đá Việt Nam

Tối muộn 15.12, thay vì xuất hiện tại SVĐ Quốc gia Mỹ Đình để theo dõi trực tiếp trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia, hai doanh nhân, hai ông bầu bóng đá là Đoàn Nguyên Đức và Võ Quốc Thắng đã cùng một số ông bầu theo dõi trận đấu qua màn hình TV tại một nhà hàng ở thành phố Đà Nẵng. Và họ cùng nhau ăn mừng trong niềm hân hoan tột cùng khi ĐT Việt Nam giành chức vô định sau 10 năm chờ đợi.

Sáng 16.12, bầu Đức, bầu Thắng và HLV Park Hang-seo đã gặp nhau khi cả 3 cùng tới dự sự kiện 15 năm công bố điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai và kỷ niệm 15 năm Thaco - Chu Lai. Buổi lễ có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

img

Bầu Thắng (Võ Quốc Thắng), HLV Park Hang-seo và Bầu Đức

Trong trí nhớ của những người theo dõi bóng đá Việt Nam lâu năm, bầu Đức và bầu Thắng là một trong số những ông bầu thuộc thế hệ doanh nhân làm bóng đá đầu tiên, khi bóng đá Việt Việt Nam chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp, giải vô địch quốc gia chính thức mang tên V-League với sự tham dự của các cầu thủ nước ngoài.

Những năm 2000, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho bóng đá, những CLB bóng đá giàu truyền thống và mang đậm bản sắc nhất địa phương lần lượt trải qua những lần thay tên đổi họ.

Những cái tên PJICO Sông Lam Nghệ An, Tài chính Dầu khí Sông Lam Nghệ An, Sông Đà-Nam Định, Mikado-Nam Định, Hà Nội ACB, Hòa Phát Hà Nội cứ xuất hiện, rồi biến mất trong tâm trí người hâm mộ. Bóng đá Việt Nam trong giai đoạn này bắt đầu xuất hiện những ông bầu - doanh nhân như ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), ông Trần Đình Long (bầu Long), ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng), ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức)...

Nhưng rồi sau năm tháng “oằn mình” với bóng đá chuyên nghiệp trong vai một người chơi, mà đôi khi chiến thắng cũng chẳng phải lúc nào cũng vui, và cũng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, lần lượt bầu Long, bầu Kiên, bầu Trường, bầu Thụy rồi tới bầu Thắng bỏ bóng đá.

Còn ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), một trong số ít ông bầu còn lại từ thuở bóng đá Việt Nam chuyển mình “lên chuyên” cách đây gần 20 năm cũng đã thay đổi.

Từ một người chịu chơi với cách đầu tư làm bóng đá có phần “ăn xổi” khi đưa bộ ba tuyển thủ Thái Lan là Kiatisuk Senamuang, Dusit Chalermsan, Chukiat Noosarung về chơi cho Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ở giải hạng Nhất vào năm 2002. Rồi tiếp tục chi hàng trăm tỷ đồng để đưa Kesley Alves, Datsakorn Thonglao về HAGL sau 2 năm liên tiếp vô địch V-league. Bầu Đức đã có sự thay đổi quan điểm về cách làm bóng đá sau cuộc gặp gỡ với HLV Arsene Wenger.

img

Bầu Đức đã có sự thay đổi quan điểm về cách làm bóng đá sau cuộc gặp gỡ với HLV Arsene Wenger.

HLV người Pháp đã dạy cho ông bầu quyền lực cách làm bóng đá chuyên nghiệp. Một nền bóng đá muốn phát triển bền vững thì chỉ có đào tạo trẻ. Năm 2007, ông Đoàn Nguyên Đức đốn 5 hecta cao su đang cho thu hoạch để xây dựng học viện HAGL - Arsenal JMG.

Thời điểm đó, đội ngũ chuyên gia cả trong và ngoài nước đi khắp các tỉnh thành Việt Nam để lựa chọn ra được 15 nhân tố xuất sắc nhất với kỳ vọng sẽ đào tạo ra lứa cầu thủ tài năng, phục vụ cho HAGL cũng như bóng đá Việt Nam. Một số tiền rất lớn được bầu Đức bỏ ra cho quá trình "đãi cát tìm vàng".

Không chỉ được tiếp cận giáo trình bóng đá hiện đại, khoa học, các học viên học viện HAGL-Arsenal JMG còn được học văn hóa rất bài bản, tiếng Anh sử dụng thành thạo. Bầu Đức khẳng định, nếu không thể trở thành cầu thủ, các học viên vẫn có thể lựa chọn một ngành nghề phù hợp khi có học vấn.

6 năm sau, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh… chính thức trình làng vào năm 2013 trong màu áo đội tuyển U19 Việt Nam đã tạo nên cơn sốt thực sự. Lối chơi kỹ thuật đã giúp các cầu thủ U19 Việt Nam chiếm trọn niềm tin yêu của người hâm mộ bóng đá nước nhà.

"Mục tiêu của tôi là mang tấm HCV SEA Games 2017, 2019 là không hề “nổ”. Nếu đến năm 2019 mà tôi không làm được điều này cho bóng đá Việt Nam, thiên hạ gọi tôi là thằng Đức “nổ” tôi cũng chịu”, bầu Đức đã nói như vậy vào năm 2014.

Dù sau đó đội U22 Việt Nam không thể giành tấm huy chương vàng Sea Games như mong đợi của bầu Đức, nhưng vị trí Á quân giải U23 châu Á 2018, ví trí thứ tư ASIAD 2018 đều ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của các cầu thủ HAGL.

Dấu hỏi khi mời HLV Park Hang-seo

Ở AFF Cup 2018, thời gian thi đấu của các cầu thủ thuộc biên chế HAGL không nhiều. Song những đóng góp của bầu Đức vẫn được khẳng định, thông qua việc lựa chọn và bay sang Hàn Quốc mời HLV Park Hang-seo dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Chuyện bầu Đức chi ra số tiền khoảng 700 triệu đồng/tháng cho VFF để trả lương và tiền thuế cho HLV Park Hang-seo thời gian qua dần được báo chí chia sẻ với nhiều chi tiết mới.

Theo đó, nhờ sự tài trợ này của bầu Đức, Tổng cục Thể dục Thể thao không phải chi 10.000 USD cho VFF như công văn trước đó VFF gửi lên tổng cục để đề nghị, nhằm hỗ trợ trả lương cho HLV Park Hang-seo. Với việc ký hợp đồng 2 năm với ông Park Hang-seo, bầu Đức dự kiến sẽ phải chi ra số tiền khoảng 17 tỷ đồng.

img

Nhiều người từng đặt dấu hỏi khi bầu Đức mời ông Park Hang-seo về dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.

Ít ai biết rằng, tại buổi đối thoại về “Phát triển bóng đá Việt Nam” được điều hành bởi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vào chiều 13.1.2018, thời điểm đội tuyển U23 Việt Nam đang tham dự VCK U23 Châu Á 2018 tại Trung Quốc, nhiều nội dung đã nhắc trực tiếp đến thành tích của U23 Việt Nam cũng như HLV Park Hang-seo. Cụ thể, chuyên gia Vũ Mạnh Hải đã nêu ý kiến chất vấn: “Xin hỏi việc thuê HLV Park Hang-seo, Hội đồng HLV Quốc gia có ai biết không hay chỉ có 3 người là anh Đoàn Nguyên Đức, Trần Quốc Tuấn và Lê Hoài Anh?”.

Sau đó, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đã nói rằng, việc mời ông Park Hang-seo là đúng với quy trình và đã được thông qua Hội đồng HLV Quốc gia. Và khi tất cả còn tranh cãi thì ngay hôm sau buổi đối thoại diễn ra, ông Park Hang-seo cùng U23 Việt Nam đã giành chiến thắng 1-0 trước U23 Australia.

Điểm trùng hợp giữa bầu Đức và bầu Thắng

Có một sự trùng hợp thú vị giữa bầu Đức và bầu Thắng. Cách đây 10 năm, bầu Thắng đã mời ông Henrique Calisto làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, khi đó đội tuyển Việt Nam đã đăng quang AFF Cup 2008. Cuối năm 2017, bầu Đức mời ông Park Hang-Seo về nắm đội tuyển, và Việt Nam đăng quang.

img

Bầu Thắng ăn mừng chức vô địch AFF Cup 2008 cùng HLV Calisto

Đã có thời, người ta coi bầu Thắng, coi Gạch Đồng Tâm Long An như cánh chim đầu đàn trong phong trào phát triển bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam thông qua thành tích, qua cách xây dựng một đội bóng đầy quy củ.

Nhắc tới Gạch Đồng Tâm Long An, bên cạnh bầuThắng, khán giả còn nhớ tới HLV Herique Calisto và hai cựu tuyển thủ Minh Phương, Tài Em. Dưới bàn tay nhào nặn của vị thuyền trưởng người Bồ, "cặp bài trùng" Tài Em - Minh Phương trở thành bộ đôi tiền vệ đáng xem bậc nhất bóng đá Việt Nam.

Dấu của các cầu thủ Đồng Tâm Long An trong đội hình đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch năm AFF Cup 2008 rất rõ nét. Phan Văn Tài Em là người đeo băng đội trưởng trên sân, cùng với Nguyễn Minh Châu (Xi măng Hải Phòng) hợp thành “tấm lá chắn thép” ở giữa sân. Còn Nguyễn Minh Phương chính là người tung ra cú sút phạt quyết định để Lê Công Vinh có cú đánh đầu ngược ghi bàn ở phút 90+4, trong trận chung kết lượt về với Thái Lan, mang về chức vô địch AFF Cup 2008 cho đội tuyển Việt Nam.

Người cuối cùng là HLV Calisto, tinh thần "chiến đấu" năm đó của thầy “Tô” đã vực dậy tinh thần chiến đấu cho các học trò sau khi đội tuyển Việt Nam thua 0-2 trước Thái Lan ngay ở trận ra quân tại Phuket và trải qua chuỗi 12 trận liền không thắng trước đó.

HLV Calisto là người am hiểu về BĐVN khi từng có quãng thời gian 10 năm làm việc tại đây trên cả cương vị HLV ĐTQG lẫn CLB Đồng Tâm Long An. Và ông không chỉ hiểu cầu thủ mà chính sự hoà nhập văn hoá bản địa đã giúp vị HLV người Bồ có được những thành công.

Ông là người am hiểu lịch sử và rất thuộc lịch sử Việt Nam, ông Calisto đã truyền lửa cho các cầu thủ Việt Nam bằng cách khơi dậy tinh thần dân tộc. Nhờ tinh thần dân tộc, đội tuyển Việt Nam cũng đã đi một mạch đến chức vô địch nhờ nút mở của tâm lý của “phù thuỷ” Calisto.