Qua mặt “Thổ Công” “Hà Bá”
Khoảng 3 giờ sáng, ông Nguyễn Văn N., Khu tập thế Công an, thôn Phú Thứ, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, thức dậy đi vệ sinh thì phát hiện có bóng người đi lại trong nhà. Tưởng người nhà, ông hỏi: “Sao không bật điện lên”. Bóng người vút chạy ra phía cầu thang rồi biến mất.
Ông N. luống cuống một lúc mới hô hoán “Trộm! Trộm!”. Hai con trai ông N. đuổi theo kẻ gian đến khu vực vườn chuối, cạnh trường THPT Tây Mỗ thì thấy chúng nhảy vào đó và biến mất.
Một tên trộm liều lĩnh vào nhà phá khóa lấy xe máy |
Kiểm tra đồ đạc thì thấy hai chiếc xe máy gồm Air Blade đen và xe Vespa LX xanh đã biến mất. Toàn bộ số tiền, vàng trong két và một số tài sản gọn nhẹ, có giá trị khác đã không cánh mà bay. Dấu vết còn lại trên hiện trường là chìa khóa nhà cắm tại ổ khóa. Chìa khóa két cũng bị vứt lại.
Đi quanh nhà tìm kỹ mọi ngóc ngách, anh Nguyễn Hải L. phát hiện cửa ô thoáng tầng 3 anh để ngỏ hồi đêm bị tháo bung khung sắt, để hở một khoảng trống 50 x 30cm.
Điều mà anh Hải L. thắc mắc là tại sao nhà anh cao như thế, lại không có ban công, mà kẻ gian vẫn đột nhập vào được. Làm thế nào chúng mò ra được nơi cất giữ chìa khóa nhà, chìa khóa két và chìa khóa xe để mở các ổ khóa mà không gây ra một tiếng động nào.
Theo Trung tá Nguyễn Việt Dũng, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, CA quận Thanh Xuân, trong số trên 50 đối tượng bị bắt giữ trong đợt cao điểm ra quân phòng chống tội phạm vừa qua, 46,2% đối tượng là ở nơi khác, trong đó có 23,1% là lưu manh ngoại tỉnh như Thái Nguyên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa...
Những nơi chúng thường nhằm đến là những khu dân cư của những người có kinh tế, những nhà có tài sản giá trị cao như xe máy SH, LX, Liberty, ô tô Mercedes và chủ nhà thường xuyên đi vắng.
Trước đó, công an Thành phố đã bắt được một số tên lưu manh đến từ Trung Quốc sử dụng đèn khò bình ga mini để cắt cửa sắt, két sắt, máy ATM, lấy cắp tiền của nhà riêng và các công ty tư nhân. Chúng thuê trọ ở xa như Đông Anh, Sóc Sơn, rồi ban ngày thuê taxi vào nội thành thăm dò. Chúng chỉ đánh dấu hai nơi là phòng kế toán và thủ quĩ. Đến đêm, chúng đột nhập vào, tấn công và lấy tiền rồi chạy thẳng ra ngoại thành.
Tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp
Đại úy Luyện Huy Hoàng, Đội phó đội CSHS, CA quận Thanh Xuân, cho biết, các vụ trộm cắp tài sản tư gia gần đây ngày càng trở nên manh động, tinh vi và phức tạp. Đối tượng phần lớn là những tội phạm đã có nhiều tiền án, tiền sự, nhiều kinh nghiệm và liên tục thay đổi địa bàn hoạt động. Nhiều tên trộm tuy tuổi đời chưa cao nhưng đặc biệt ranh ma và có nhiều tài lẻ. Số tội phạm nghiện ma túy chiếm số lượng nhỏ. Chủ yếu là những kẻ thất nghiệp, cờ bạc, lô đề.
Khi đi gây án, chúng không mang theo vũ khí nóng, ít khi mang dụng cụ gây án theo người vì dễ bị lộ khi chạm phải lực lượng tuần tra. Trình độ leo tường và khả năng ứng phó với các phương tiện chống trộm, bảo hiểm của chúng rất tinh vi. Có thể nói, nếu chúng đã nhắm vào đâu thì ít khi… về không.
Thời điểm gây án khoảng từ 2-3h sáng. Thời gian gây án chỉ từ 20-30 phút. Nhiều người tỏ ra rất tự tin vào độ an toàn kiên cố của ngôi nhà nên thường bị sốc khi thấy kẻ trộm tung hoành trong nhà mình như ở chốn không người.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, tội phạm ít khoanh vùng cát cứ. Vai trò của các “Thổ Công” “Hà Bá” không còn rõ nét như trước đây. Việc thay đổi địa bàn của chúng làm khó cho cơ quan điều tra tra trong việc xác minh thủ phạm qua thói quen hoạt động.
“Trộm khác với đầu gấu ở chỗ ngoài giờ gây án và lúc đối diện với lực lượng chức năng, chúng hoàn toàn là người bình thường, không rõ biểu hiện nên rất khó phát hiện và truy bắt”, đại úy Hoàng nói.
Trung tá Dũng cho rằng người dân còn chủ quan trong việc phòng ngừa kẻ trộm. Nhiều nhà làm cửa chính kiên cố nhưng lại bỏ qua cửa nhỏ, cửa ngách. Có nhà nghĩ rằng mở cửa trên tầng 4 thì kẻ trộm không leo lên được. Nhưng hầu hết chúng đều leo trèo rất giỏi, hoặc sử dụng các lối khác như nhà hàng xóm, cột điện, cây cao rồi đu sang.
Nhiều nhà còn cắm chìa tại xe, để giấy tờ trong xe tạo thuận lợi cho chúng lấy xe dễ dàng. Chìa khóa nhà thường được để ở nơi dễ tìm như trên bàn, trên tủ, treo tường. Có nhà ngủ để đèn sàng, kẻ trộm có thể quan sát được từ xa, xác định được số tài sản trong nhà, phòng ngủ, lối vào, những điểm xung yếu…
Tăng cường các thiết bị chống trộm và hàng xóm liên gia
Để phòng chống, theo đại úy Hoàng, người dân phải gia cố cửa, tìm hiểu kỹ những điểm yếu trong nhà để khắc phục. Những gia đình có điều kiện kinh tế khá cần phải lắp hệ thống báo động chống trộm. Những hộ có không gian rộng nên nuôi chó, ban ngày xích, ban đêm thả, để kết hợp bảo vệ. Dù cửa chắc chắn, mọi người vẫn nên khóa cẩn thận ô tô xe máy, rút chìa khóa cất vào nơi khó tìm.
Còn theo Đại tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng CSHS, Công an TP Hà Nội, kẻ gian thường lợi dụng mối quan hệ lỏng lẻo của lân gia thành phố để gây án. Nhiều khi giữa ban ngày hàng xóm mất trộm mà nhà bên vẫn không biết, không hỏi và không quan tâm. Để đối phó với nạn trộm cắp, khu dân cứ nên lập ra những tổ chức theo kiểu “hàng xóm liên gia”, cử một vài người khỏe mạnh, có điều kiện thời gian rảnh rỗi hơn, mỗi ngày tuần tra vài lượt, gặp người lạ vào khu thì hỏi han cặn kẽ.
Các nhà cần có điện thoại của nhau để báo cho nhau những khi nguy cấp. Mặt khác, các cơ quan công an địa phương cần tăng cường tuần tra kiểm soát, tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý giáo dục tại cộng đồng, tập trung điều tra khám phá các ổ nhóm tại thành phố,