Ngày 17.12, Báo Dân Việt nhận được đơn kêu cứu của gần chục doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ, gồm: Công ty TNHH Hùng Đệ, Công ty TNHH Tiến Dũng Gia Lai, Công ty TNHH An Khang Phước, Công ty TNHH MTV XNK Lâm Sản Hằng Phát, Công ty TNHH Thương mại Ngọc Ninh và Công ty TNHH Đức Nam.
Đơn kêu cứu của gần chục doanh nghiệp gửi đến báo Dân Việt
Theo đơn kêu cứu, tất cả các doanh nghiệp trên mua bán gỗ hợp pháp từ Lào nhập khẩu về Việt Nam qua Cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Nhưng ngày 8.5.2018, thừa lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh VP UBND tỉnh này (hiện là Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ - PV) ký thông báo số 149/TB-UBND về việc kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu tại cuộc họp giao ban thường kỳ ngày 2.5.2018.
Nội dung ở điều 2 của thông báo như sau: “Hiện nay, hạ tầng giao thông qua cửa khẩu Đắc Ốc (huyện Nam Giang) xuống cấp trầm trọng, để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyết Quốc lộ 14D, UBND tỉnh Quảng Nam tạm dừng việc xuất, nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu Đắc Ốc huyện Nam Giang.
Giao Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh lập thủ tục báo cáo Trung ương theo đúng quy định; Sở Công thương, Cục Hải quan tỉnh, UBND huyện Nam Giang và các Sở, ngành liên quan thông báo cho tổ chức, cá nhân liên quan biết và thực hiện”.
Thông báo số 149 thừa lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu gây khó khăn cho doanh nghiệp, buộc họ cầu cứu đến báo Dân Việt.
Theo các chủ doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ, từ khi có thông báo trên, mọi hoạt động kinh doanh của họ hoàn toàn bị đình trệ. Các hợp đồng xuất nhập khẩu gỗ ký trước đó đột ngột bị dừng lại, hàng hóa không được lưu thông, gỗ để lâu ngày xuống cấp, hư hỏng, người lao động không có công ăn việc làm, không thu hồi được vốn để trả nợ ngân hàng. Doanh nghiệp điêu đứng, bên bờ vực phá sản.
Hợp đồng mua bán gỗ hợp pháp của các doanh nghiệp được ký trước thời gian ra thông báo của tỉnh Quảng Nam.
“Lý do UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra để tạm dừng việc xuất, nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu Đắc Ốc là do hạ tầng giao thông qua cửa khẩu xuống cấp trầm trọng. Việc này, chúng tôi thấy lý do là không phù hợp với Nghị định số 112 của Chính phủ quy tại điều 17, thẩm quyền hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại của khẩu biên giới với lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, phòng chống dịch bệnh, lý do đặc biệt khác hoặc theo đề nghị của các nước láng giềng.
Quyền quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu được giới hạn quy định như sau: Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu quốc tế theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an.
Riêng Chủ tịch UBND tỉnh chỉ có quyết định việc hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu chính theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh không quá 24 giờ.
Như vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam không có thẩm quyền hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại của khẩu Đắc Ốc.
Việc tạm dừng theo thông báo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam rất vô lý, vì các hợp đồng gỗ của chúng tôi ký với các đối tác bên Lào trước thông báo của UBND tỉnh.
Vì sao UBND tỉnh Quảng Nam không cho doanh nghiệp chúng tôi một thời gian nhất định để vận chuyển hết số gỗ đã hợp đồng rồi mới yêu cầu tạm dừng? Gỗ của chúng tôi có hợp đồng hợp pháp chứ không phải buôn bán lậu. Còn nói đường hư hỏng, nếu chúng tôi chở vượt quy định thì lực lượng chức năng có quyền kiểm tra và bắt giữ.
Chúng tôi đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam rút lại quyết định thông báo trên, nếu không chúng tôi sẽ khởi kiện ra tòa” - đơn kêu cứu của các doanh nghiệp trên nêu rõ.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.