Dân Việt

Quảng Nam: Duy Thành tạo đột phá xây dựng hạ tầng

Trần Hậu - Trương Hồng 22/12/2018 18:05 GMT+7
Xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) được công nhận xã nông thôn mới (NTM) năm 2017, thành quả đó có được là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Địa phương này đang tập trung nâng chất lượng các tiêu chí, đồng thời phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân.

Hạ tầng được đầu tư đồng bộ

Ông Trần Thanh Thư - Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết, năm 2011 khi phát động xây dựng NTM, qua khảo sát và đánh giá, địa phương mới đạt 5 tiêu chí trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng NTM. Nhưng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là lòng dân đồng thuận cao, đến cuối năm 2017, Duy Thành đã cán đích NTM.

img

Đường sá ở Duy Thành được đầu tư xây dựng khang trang, rộng rãi.

Xác định đầu tư cơ sở hạ tầng là bước đi mang tính đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy thời gian qua, Duy Thành đã chú trọng đầu tư lĩnh vực này.

Xã đã xây dựng được 8,9km đường giao thông trục xã, liên xã; 4,6km đường trục thôn, liên thôn; 15,28km đường ngõ, xóm, 14,9km đường trục chính giao thông nội đồng. Xã có hệ thống công trình thủy lợi gồm 4 trạm bơm điện đảm bảo chủ động tưới tiêu 100% đất gieo trồng, kênh mương loại III do xã quản lý đã kiên cố hóa được 15km.

Nhà văn hóa ở 4/4 thôn được đầu tư xây mới, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của người dân. Xã cũng đã xây dựng 8 phòng học 2 tầng ở điểm Trường Tiểu học An Lạc - Nhơn Bồi, tổng kinh phí đầu tư 3,7 tỷ đồng.

Hiện nay cả 3 trường mẫu giáo, tiểu học và THCS ở Duy Thành đều đạt chuẩn quốc gia. Chợ nông thôn tại thôn Thi Thại được xây mới với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng.

img

Hạ tầng được đầu tư đồng bộ là bước đi mang tính đột phá trong xây dựng NTM ở xã Duy Thành. Ảnh:Trần Hậu

"Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài nên sau khi về đích xã tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa… nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt của người dân và phát triển của địa phương...”.

Ông Trần Thanh Thư

Phương án thu gom rác thải được nhân dân hưởng ứng, Duy Thành cũng đã xây dựng thành công mô hình thu gom rác thải trong cộng đồng dân cư và mô hình bảo vệ môi trường trên đồng ruộng; tình hình môi trường được cải thiện rõ nét, không có tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, 100% hộ dân đã được dùng nước hợp vệ sinh…

Nhiều mô hình hiệu quả

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng NTM. Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nội dung trọng tâm của Duy Thành là chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, Duy Thành đã có nhiều giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Tích cực chuyển đổi cơ cấu và đưa giống, cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nông nghiệp, hình thành tổ liên kết; hỗ trợ vốn phát triển sản xuất; vận động người dân học nghề, tạo việc làm… là những việc làm thiết thực và hiệu quả mà Duy Thành đã triển khai nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập.

Mỗi vụ, nông dân trên địa bàn canh tác 328ha lúa, trong đó hơn 70% diện tích đã hoàn thành dồn điền đổi thửa. Nhờ đưa giống mới và cơ giới hóa vào sản xuất nên năng suất lúa bình quân đạt 65 tạ/ha/vụ. Ngoài việc sản xuất lúa thương phẩm, mấy năm nay, nông dân Duy Thành cũng mạnh dạn canh tác hơn 150ha lúa nếp N97 trong vụ hè thu, góp phần tăng thêm 20 - 30% giá trị kinh tế so với sản xuất các loại giống lúa thường.

Xã cũng xây dựng được nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như: Chăn nuôi bò, lợn, vịt, dê, dúi có giá trị cao, đầu ra đảm bảo, nhà nông có thu nhập ổn định; Mô hình nuôi trồng thủy sản tổng diện tích mặt nước có 21ha tại thôn An Lạc, Nhơn Bồi...

Về sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, Duy Thành tiếp tục duy trì các ngành nghề gia công, chế biến hải sản, cưa xẻ gỗ, đan mây tre, sản xuất bánh kẹo, khai thác hến. Có hơn 450 lao động tham gia làm việc ở các cơ sở sản xuất, xí nghiệp tại các địa phương lân cận và có thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.