Dân Việt

Nhật vung 250 tỷ USD cho kho "bảo bối" chống Triều Tiên, Trung Quốc

Minh Nhật 19/12/2018 13:00 GMT+7
Nhật Bản vừa công bố chi tiết kế hoạch 5 năm trị giá 250 tỷ USD nhằm gia tăng chi tiêu quốc phòng để chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc và Triều Tiên.

img

Nhật Bản quyết đổ 250 tỷ USD cho kho "bảo bối" chống Triều Tiên, Trung Quốc

Theo báo Anh Express, lần đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản nỗ lực cải tiến các tàu chiến lớp Izumo thành tàu sân bay để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Tokyo cũng có kế hoạch mua hơn 100 chiếc tiêm kích F-35 tối tân của Mỹ như là một phần của kế hoạch phòng thủ chiến lược, dự chi ở mức kỷ lục là 250 tỷ USD.

Theo phê duyệt dự chi ngân sách quốc phòng ngày 18.12.2018, trong 5 năm, kể từ nay đến 2024, Nhật Bản sẽ chi một khoản tiền ở mức kỷ lục để mua sắm các thiết bị quân sự tiên tiến. Kế hoạch chi tiêu ngân sách quốc phòng sẽ bao gồm việc mua lại hai tàu sân bay có khả năng mang theo máy bay tiêm kích đa nhiệm có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn. Hai tàu sân bay này không được đóng mới, mà được chuyển đổi từ hai tàu sân bay đổ bộ trực thăng lớp Izumo hiện đang trong biên chế của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản. 

img

Tàu sân bay đổ bộ trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản.

Tàu sân bay đổ bộ trực thăng không có cầu nhảy hay thiết bị phóng máy bay, chỉ có khả năng phù hợp với máy bay tiêm kích có khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL).

Tại thời điểm này, trong tất cả các quốc gia phương Tây, F-35B của Mỹ là ứng cử viên duy nhất đáp ứng yêu cầu kỹ - chiến thuật này. Theo đó, Tokyo cho biết họ có kế hoạch mua 42 chiếc F-35B của Mỹ được thiết kế để cất cánh ngắn hạn và hạ cánh thẳng đứng.

"Trong môi trường an ninh thay đổi mạnh mẽ trên khắp Nhật Bản, chính phủ sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân Nhật Bản", Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga tuyên bố hôm 18.12.

Ông Yoshihide Suga cũng cho biết, Nhật Bản cũng sẽ tăng đơn đặt hàng các máy bay phản lực F-35A có khả năng cất cánh và hạ cánh trên đường băng thông thường, lên đường băng 105 feet. 42 trong số các máy bay phản lực này hiện đang phục vụ hoặc đã được đặt hàng từ trước. Chúng sẽ thay thế phi đội F-15J cũ kỹ của Lực lượng phòng không Nhật Bản.

Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc chiến dịch tại Trung tâm Tình báo phối hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cho biết các tàu sân bay mới sẽ mang đến cho Tokyo khả năng thiết lập hệ thống phòng thủ lãnh thổ xa hơn so với từ các đảo chính của Nhật Bản.

Trước đó, Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản công bố hồi tháng 8 năm nay cũng đã nhấn mạnh mối quan ngại của Tokyo về Trung Quốc.

"Việc hiện đại hóa nhanh chóng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tăng cường năng lực hoạt động và leo thang các hoạt động đơn phương ở các khu vực gần Nhật Bản đang tạo ra mối lo ngại về an ninh mạnh mẽ trong khu vực và cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Nhật Bản", Sách Trắng viết.