Ngày 18.12, Công an tỉnh Bắc Giang bắt giữ phóng viên Đào Thị Thúy Bình về hành vi nhận tiền của một công ty có trụ sở ở Bắc Giang.
Theo Công an tỉnh Bắc Giang, khi bị bắt có người của Công ty, phóng viên và một môi giới. Người của công ty đưa tiền cho phóng viên xem rồi yêu cầu phóng viên ký giấy biên nhận. Phóng viên xem tiền, ký giấy rồi đưa tiền cho người môi giới chuyển ra ngoài thì bị công an bắt tại cửa, số tiền kiểm đếm là 70.000 USD.
Nữ phóng viên Đào Thị Thúy Bình tại cơ quan công an.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, để biết mức án cụ thể dành cho nữ phóng viên này phải đợi kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, nếu đúng thông tin ban đầu như báo chí đã nêu, hành vi của nữ phóng viên có thể có dấu hiệu của tội “Nhận hối lộ” theo điều 354, BLHS 2015.
Vị luật sư này phân tích, theo Điều 354 BLHS năm 2015 thì nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên.
Khách thể của tội nhận hối lộ là những quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong Nhà nước và của cả các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp này bị suy yếu, mất uy tín; làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước.
Xét hành vi của nữ phóng viên, thấy người này đã lợi dụng danh nghĩa nghề báo để tống tiền doanh nghiệp, trục lợi bản thân. Hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ.
Theo luật sư Hòe, với số tiền nữ phóng viên này nhận của doanh nghiệp là 70.000USD (khoảng 1,5 tỷ đồng), người này có thể sẽ bị xử lý theo điểm a, khoản 4 của tội nhận hối lộ.
Cụ thể khoản này quy định người nào nhận hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 (1 tỷ) đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Cũng liên quan đến vụ việc này, Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, trước hết, cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án. Nếu có đủ căn cứ thì khởi tố bị can để làm rõ hành vi của nữ phóng viên trên.
Tuy nhiên, theo thông tin báo chí nêu, thấy hành vi của nữ phóng viên có dấu hiệu cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170, Bộ Luật Hình sự 2015.
Theo vị luật sư này, Cưỡng đoạt tài sản được hiểu là, hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực, hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ. Xét hành vi của người phụ nữ trên thấy có đủ dấu hiệu cấu thành tội này.
Về mức xử phạt, theo LS Trần Tuấn Anh, với số tiền là 70.000 USD có thể bị xử phạt theo Điểm A, khoản 4 của tội Cưỡng đoạt tài sản. Điểm này quy định, người nào chiếm đoạt tài sản của người khác từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt từ 12 đến 20 năm tù.
Sáng nay (19.12), Báo Thương hiệu và Công luận cho biết, phóng viên Đào Thị Thúy Bình có đề xuất với Ban biên tập về việc thu thập thông tin viết bài về khu nhà ở của công nhân tại Công ty TNHH Luxshare. Ban biên tập nhận thấy nhu cầu xây nhà ở cho công nhân là cần thiết nên đã đồng ý cho phóng viên Đào Thị Thúy Bình thu thập thông tin viết bài.
Ban biên tập có viết giấy giới thiệu cho PV đến gặp Công ty, Ban quản lý khu công nghiệp Bắc Giang và UBND tỉnh Bắc Giang để tìm hiểu. Quá trình tác nghiệp phóng viên có báo cáo công việc đang chờ doanh nghiệp trả lời.
Khi vụ việc xảy ra, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, có một môi giới đề xuất 100.000USD, sau đó phóng viên Bình trực tiếp mặc cả 70.000USD. Ngày 18.12.2018, công ty cho người giao tiền cho phóng viên Bình thì bị công an Bắc Giang bắt quả tang.
Ban Biên tập báo Thương hiệu và Công luận cho biết đang hợp tác với cơ quan Công an tỉnh Bắc Giang để điều tra làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định. Ban biên tập báo Thương hiệu và Công luận cũng khẳng định, những hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh.