Khó mở rộng BHXH tự nguyện
Mới đây, trong hội thảo “Giải pháp mở rộng diện bao phủ của chính sách BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức” do Ủy ban các vấn đề xã hội quốc hội phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức (ngày 13.12), nhiều đại biểu cho rằng, tỉ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc của chúng ta quá thấp, cần thay đổi chính sách để tăng số người tham gia BHXH tự nguyện.
Lao động tự do làm nghề xe ba gác, bốc vác tại Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: N.T
"Lao động tự do phải đối mặt với nhiều nguy cơ mất việc làm, việc hỗ trợ họ tham gia BHXH tự nguyện và đảm bảo BHXH tự nguyện có những chế độ như bảo hiểm thất nghiệp, chế độ thai sản, ốm đau... là việc làm cần thiết nhằm duy trì sàn an sinh cho lao động và mở rộng diện bao phủ của BHXH”. Ông Phạm Trường Giang – |
Ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết, Việt Nam hiện có trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó có khoảng 3,7 triệu hộ có đăng ký kinh doanh nhưng lại không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Vì thế, giải pháp đầu tiên, theo ông Giang là phải rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Phạm Anh Tuấn chỉ ra rằng, nếu không phải là doanh nghiệp nhà nước, bị kiểm tra, giám sát rất chặt thì doanh nghiệp sẽ tìm cách “lách” luật để giảm số lượng lao động phải đóng BHXH bắt buộc. Bởi lẽ, lực lượng lao động hiện nay biến động rất lớn, nếu doanh nghiệp cứ phải đóng BHXH bắt buộc cho người lao động với mức phí như hiện nay (khoảng 21,5% tính trên mức lương tối thiểu nhân với hệ số) thì với các doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất khó khăn.
Cần mở rộng chế độ với BHXH tự nguyện
Anh Nguyễn Văn Nam, 29 tuổi (Giao Thuỷ, Nam Định) chia sẻ, vợ chồng anh rời quê lên Hà Nội làm thuê cũng được 3 năm. Anh làm nghề chạy xe ôm, vợ thì buôn bán phế liệu, thu mua đồng nát. Nghe mọi người tuyên truyền về việc mua BHXH tự nguyện, vợ chồng anh cũng rất hào hứng. Tuy nhiên, khi được tư vấn giới thiệu về chế độ của BHXH tự nguyện thì anh lại thấy không thuyết phục. “Nếu mua BHXH tự nguyện thì 15-20 năm nữa mới có quyền lợi. Cái mà chúng tôi cần lúc này là bảo hiểm tai nạn lao động và thai sản thì lại không được hưởng” - anh Nam chia sẻ.
Ông Trần Văn Lâm - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng nhiều người dân nhận thấy chính sách BHXH có lợi ích, họ mong tham gia nhưng vẫn ngần ngại vì “lợi ích quá xa vời”.
“Chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn khi chỉ có 2 chế độ là lương hưu và tử tuất. Nhiều người dân phản ánh muốn BHXH tự nguyện có nhiều chế độ hơn, phù hợp với điều kiện thực tế nhưng chính sách hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu này” - ông Lâm nói.