Tiếp cận bình đẳng giới bằng cách “thúc đẩy”
Bộ luật Lao động 2012 sau 5 năm thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Một trong số những bất cập ấy được thể hiện ở góc độ bình đẳng giới. Chính bởi vậy, trong quá trình thực hiện sửa đổi luật lần này, Bộ LĐTBXH sẽ xem xét để sửa đổi các vấn đề có liên quan tới bình đẳng giới.
Tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và nữ cũng sẽ được đề cập trong Luật Lao động sửa đổi lần này. Ảnh: M.N
"Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) sẽ tính đến các chính sách về giới nhằm thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với tình hình mới”. Bà Nguyễn Thị Hà – |
Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, về cơ bản, Bộ luật Lao động hiện hành đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, có biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó có quy định riêng cho lao động nữ như thai sản, bảo vệ lao động nữ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vận hành theo cơ chế thị trường, hội nhập khu vực, quốc tế và tác động của cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, các quy định liên quan đến bình đẳng giới của Bộ luật Lao động cũng bộc lộ một số vấn đề cần được nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện.
Bà Hà cũng cho biết, thực tế chúng ta có một số quy định riêng đối với lao động nữ với mục tiêu bảo vệ lao động nữ nhưng thực tế đem lại tác động bất lợi với phụ nữ. Có thể kể ra như quy định cấm lao động nữ làm một số công việc; quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn lao động nam 5 năm; trách nhiệm của lao động nam và lao động nữ trong công việc và trong gia đình như: Chế độ trợ cấp chi phí gửi trẻ, quyền nghỉ việc để thực hiện các biện pháp tránh thai, chăm sóc con ốm đau… chỉ được quy định đối với lao động nữ mà không được quy định đối với lao động nam; quy ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ...
Giải quyết bình đẳng giới sẽ thúc đẩy kinh tế
Bà Astrid Bant - quyền Điều phối viên của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do với Liên Minh châu Âu (EVFTA), thì việc sửa đổi Bộ luật Lao động sẽ giúp Việt Nam thực thi các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bình đẳng giới tại nơi làm việc, thúc đẩy việc làm, tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Để thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới, hiện nay Chính phủ Úc và cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và thúc đẩy quyền năng của phụ nữ cũng đang hỗ trợ Bộ LĐTBXH thực hiện quyền bình đẳng giới ở 4 nội dung trong Bộ luật Lao động: Thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ; hoàn thiện các quy định phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc; bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới, không phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong thực hiện chức năng thai sản, chăm sóc con nhỏ; hoàn thiện cơ chế cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ người lao động gửi con vào nhà trẻ, lớp mẫu giáo.