Dân Việt

Phi công Việt và tình bạn xuyên biên giới với… kẻ thù cũ

Thiên Việt 21/12/2018 06:00 GMT+7
Ông Nguyễn Hồng Mỹ (SN 1946) ở Nam Đàn, Nghệ An được biết đến là phi công đầu tiên bắn rơi máy bay F4 của Mỹ vào năm 1972. Điều đặc biệt, sau chiến tranh, ông còn có một tình bạn đẹp “xuyên biên giới” với chính… kẻ thù cũ của mình là viên phi công trên chiếc máy bay năm nào bị ông bắn hạ.

Chiếc F4 đầu tiên của Mỹ bị hạ       

Năm 1965 khi đang là sinh viên của Trường ĐH Tài chính tại Hà Nội, ông Mỹ bỏ học nhập ngũ. Đúng đợt có đoàn về tuyển phi công, thấy mình có sức khỏe tốt, ông đánh liều đăng ký và may mắn được lọt vào danh sách 120 học viên xuất sắc nhất được chọn sang Liên Xô đào tạo phi công chiến đấu MIG-21. Chương trình đào tạo này phải mất 7 năm nhưng do nhu cầu và tình hình chiến tranh cấp bách nên được chỉ gọn trong 3 năm.

img

Những người đã bắn rơi lẫn nhau trong cuộc chiến. Ảnh: P.V

Những ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm nay, nhiều đoàn khách từ nước Mỹ sang Việt Nam đều có yêu cầu được gặp và trao đổi với phi công Nguyễn Hồng Mỹ - người đã làm rơi “Con Ma F4” đầu tiên trong chiến dịch hủy diệt 1972 của Tổng thống Ních Sơn.

Tháng 3.1968, hoàn thành khóa học, ông trở về nước và  được biên chế tại đại đội 1, Trung đoàn tiêm kích 921.

Đầu năm 1972, Hội nghị Paris bế tắc, Tổng thống Mỹ Richard Nixon quyết định cho Không quân đánh phá ác liệt miền Bắc trở lại. Nhà Trắng tập hợp một số lượng lớn máy bay. (1.650 chiếc) bắt đầu mở màn chiến dịch đầu tiên vào tháng 1.1972. Chiến dịch này sẽ kết thúc cuối năm 1972 bằng B52 theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ngày 19.2.1972, ông Nguyễn Hồng Mỹ nhận nhiệm vụ xuất kích cùng phi công số 2 của mình là ông Lê Minh Dương.  Chiếc MIG 21 do ông Nguyễn Hồng Mỹ lái đã có màn rượt đuổi ngoạn mục trên không với chiếc máy bay quan sát F4 của địch trên cao.

Để kẻ địch không thể phát hiện, ông tắt radar và bay theo chiếc F4 vào góc khuất. Đuổi từ Hòa Bình đến Nghệ An thì máy  bay địch lọt vào vòng ngắm. Ông phóng 2 quả tên lửa ở cự ly 2km. Thấy chiếc F4 bốc khói, nhưng không có dù bung ra.

Đây là chiếc F4 đầu tiên bị bắn rơi bởi Không quân Việt Nam trong chiến dịch hủy diệt của Nixon. Nó  như một “gáo nước lạnh” giội vào đầu những kẻ hiếu chiến  ở Lầu Năm Góc và cho các phi công Mỹ dày dạn kinh nghiệm có hàng trăm giờ bay thấy rằng không kích Bắc Việt Nam không phải là một cuộc dạo chơi. Không quân Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng dũng cảm và mưu trí.

Ngày 20.2.1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới thăm Trung đoàn tiêm kích 921, và phi công trẻ Nguyễn Hồng Mỹ được gắn Huy hiệu Bác Hồ.

“Kẻ thù của tôi - bạn bè của tôi”

Nhớ lại chuyện cũ, ông Mỹ không khỏi bồi hồi: “Sau này tôi mới biết 2 phi công Mỹ trên chiếc F4 đã may mắn bung dù rơi xuống miền Tây Nghệ An rồi kẹt trên cây. Họ gọi cứu trợ và được trực thăng Mỹ vào đưa đi”.

img

Thời gian sau, trong một cuộc không chiến khác, chiếc MIG 21 do ông Mỹ lái bị trúng đạn bốc cháy sau khi tránh được 5 quả tên lửa trước đó. Ông Mỹ nhảy dù và rơi xuống Hòa Bình. Tuy nhiên, khi nhảy do trục trặc hệ thống bảo vệ nên ông bị gãy cả hai tay và chấn thương xương sống. Mặc dù đã cố tình khai giảm các vết thương để có thể nhanh chóng được trở lại chiến trường nhưng do chấn thương quá nặng ông Mỹ không còn được trở lại với… bầu trời nữa.

Trở về từ chiến trường, ông tiếp tục đi học đại học rồi vào làm cán bộ nhà nước nhiều năm sau đó mới nghỉ hưu.

Năm 2008, viên phi công Mỹ đã bị ông bắn rơi năm nào là Giôn Stiles - nay đã là một vị giáo sư Đại học VN đã nhờ chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV để tìm người đã bắn hạ máy bay của mình năm đó.

Cuộc gặp gỡ đã diễn ra trong không khí hữu nghị, chân tình. Phi công Giôn Stiles rất xúc động trước hoàn cảnh của ông Mỹ và mời ông sang thăm gia đình mình. Tại Mỹ, ông Mỹ đã có dịp gặp và trao đổi với các cựu phi công Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, trao đổi với các lãnh đạo của Không quân Mỹ, và đến thăm gia đình của Giôn Stiles. Trong bữa cơm thân mật, mẹ của Giôn Stiles, năm nay đã 96 tuổi, đã nói vui rằng: “Nếu thằng Giôn khi ấy không kịp nhảy dù thì hôm nay chúng ta không thể gặp nhau ở đây”. Người bắn rơi máy bay của anh Mỹ tại Hòa Bình năm đó cũng tìm gặp ông để nhắc lại kỷ niệm xưa. Phi công đó tên là Dan Cherry hiện cũng đã đeo lon cấp tướng.

 Để ghi nhớ mối quan hệ đặc biệt “thù cũ, bạn mới” của những người lính phi công xưa kia ở hai đầu chiến tuyến, cựu phi công Mỹ Giôn Stiles đã viết một quyển sách với nhan đề “Kẻ thù của tôi, bạn bè của tôi”, ngoài bìa là bức ảnh 2 phi công Việt - Mỹ tóc đã điểm bạc thân thiện đứng cạnh nhau. Quyển sách hiện được bán rất chạy ở Mỹ.