Dân Việt

"Hồ Tây sẽ như cái bể nước nếu mất nguồn thủy sinh đặc trưng"

Thành An (thực hiện) 21/12/2018 19:10 GMT+7
"Riêng với hồ Tây không chỉ thay nước, nạo vét là đã xong. Bởi nếu làm mất nguồn thủy sinh vật đặc trưng của hồ thì hồ Tây sẽ chẳng khác gì cái bể chứa nước, không có giá trị về cảnh quan, sinh học", PGS.TS Mai Đình Yên đánh giá.

img

PGS.TS Mai Đình Yên - Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam. (Ảnh: Thành An)

Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội vừa đề xuất phương án sử dụng hàng triệu m3 nước sông Hồng bổ sung cho hồ Tây để cải thiện chất lượng nước hồ và chống cạn kiệt nguồn nước trong hồ. Phương án đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân Thủ đô và những chuyên gia đang nghiên cứu về hệ thống nước sông hồ Hà Nội. 

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Dân Việt đã phỏng vấn PGS.TS Mai Đình Yên - Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam, người đã có hàng chục năm nghiên cứu về hồ Tây.

Vét từ từ, luân phiên

Thưa PGS.TS, trước đề xuất của Hà Nội về việc dùng nước sông Hồng để bổ cập cho hồ Tây, ông có suy nghĩ như thế nào?

- Hồ Tây đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là nơi bảo tồn sinh học, bảo tồn nước nội địa cấp Quốc gia. Thế nhưng 20 năm qua, vấn đề ô nhiễm Hồ Tây vẫn đang tiếp diễn. 

Mới đây, Công ty Thoát nước Hà Nội đưa ra hai biện pháp lấy nước để bổ cập cho hồ Tây, vừa lấy nước cho hồ Tây và thau nước cho sông Tô Lịch. Thứ nhất là dùng nước ngầm; hai là lấy nước sông Hồng. Trong đó, Công ty và nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước, trong đó có tôi đồng ý với việc hồ Tây cần phải được bổ trợ nước hàng năm, việc lấy nước sông Hồng để “cứu” hồ Tây là thích hợp nhất lúc này.

Bởi nếu không hồ Tây có thể trở thành “hồ chết” trong thời gian tới như lo ngại của nhiều người. Tuy nhiên, việc thay nước cần phải đảm bảo nguồn sinh vật đa dạng và phong phú của hồ Tây.

Thưa ông, đây có phải là lần đầu tiên Hà Nội đề xuất việc dùng nước sông Hồng để bổ cập, xử lý ô nhiễm của hồ Tây?

Trước đây, Liên Xô (Nga) đã có ý muốn giúp Hà Nội thay nước hồ Tây để bớt ô nhiễm nhưng chúng ta không triển khai. Ngoài ra, chúng ta cũng từng triển khai với một số nước ngoài như Canada điều tra về ô nhiễm của hồ Tây nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý. 

img

Hồ Tây đang phải đối mặt với vấn đề cạn kiệt mực nước và ô nhiễm môi trường nước rất đáng lo ngại do nguồn nước thải, rác sinh hoạt đổ vào hồ. Lớp trầm tích đáy hồ đã nhiều năm chưa được nạo vét. (Ảnh: Thành An)

Dự án thay nước hồ Tây lớn nhất từ trước tới nay là vào năm 1998. Lúc đó, hồ Tây ô nhiễm rất nặng, Thị trưởng TP.Vienna  (Áo) đã đề nghị tham gia với TP.Hà Nội trong việc xử lý ô nhiễm hồ Tây với chi phí khoảng 30 triệu đô la với việc thay nước, cụ thể là lấy nước sông Hồng vào hồ Tây.

Tuy nhiên, Hà Nội không đồng ý thực hiện vì phương án của họ đưa ra không nghiên cứu kỹ về đa dạng sinh học, chất lượng nước và sự ngập úng của hồ Tây cũng như TP. Phương án cũng gặp phải phản ứng của các chuyên gia thủy sinh học, trong đó có tôi.

Với tính quan trọng của hồ Tây chúng ta chấp nhận xử lý ô nhiễm bằng phương án thu gom nước thải, không cho xả thải thẳng ra hồ. Đến năm 2016, nước hồ bị ô nhiễm nặng, cá chết hàng trăm tấn. TP đặt ra vấn đề nạo vét lượng bùn lắng đọng dưới hồ.

Theo đó, dự án nạo vét đã được phê duyệt, các chuyên gia cũng đồng ý, song có ý kiến cho rằng trong quá trình vét phải theo dõi, bảo vệ được nguồn đa dạng thủy sinh trong hồ - nghĩa là vét từ từ, luân phiên.

Hồ Tây sẽ chẳng khác gì cái bể nước, nếu...

PGS có thể nói rõ hơn về việc nếu dùng nước sông Hồng để bổ trợ cho hồ Tây sẽ gây ra những ảnh hưởng nào đến nguồn thủy sinh vật đặc trưng của hồ Tây?

Với những nghiên cứu hơn 50 năm của chúng tôi được trình bày trong nước và quốc tế, tôi thấy rằng TP.Hà Nội chuẩn bị cải tạo, phát triển hồ Tây bằng cách đưa nước sông Hồng vào để giải quyết vấn đề về ô nhiễm, bốc thoát hơi nước, biến đổi khí hậu thì tôi thấy không có vấn đề gì.

Nhưng riêng với hồ Tây không chỉ thay nước, nạo vét là đã xong. Bởi nếu làm mất thủy sinh vật đặc trưng của hồ thì hồ Tây sẽ chẳng khác gì cái bể chứa nước, không có giá trị về cảnh quan, sinh học.

img

Những năm qua, tình trạng cá chết nổi trắng mặt nước hồ Tây nhiều lần diễn ra. (Ảnh: Thành An)

Vậy thưa ông, để cải thiện được môi trường nước ở hồ Tây cũng như các sông hồ ở Thủ đô như sông Tô Lịch, theo ông cần phải làm gì trước tiên?

- Hồ Tây có hệ sinh thái rất đa dạng nên cần phải có những biện pháp khác nữa, như xây dựng các bè thủy sinh, nghiên cứu kỹ hơn hệ động thực vật; tiêu diệt sinh vật ngoại lai; thả lại những con bản địa.

Những giải pháp này tôi lại chưa thấy Công ty Thoát nước Hà Nội đưa ra. Do vậy, TP.Hà Nội cần có những biện pháp hoàn chỉnh, đồng thời, kêu gọi cộng đồng thực hiện những biện pháp khác để hút bớt độc tố trong nước như tôi đã nói ở trên. 

Biện pháp đưa nước vào hồ Tây phải làm kỹ càng, chi tiết, phải theo dõi chất đa dạng sinh học của sông Hồng có phù hợp với hồ Tây hay không? Có dẫn tới biến đổi hệ sinh thái của hồ Tây không?

Theo đó, chúng ta cần phải khảo sát chất lượng nước sông Hồng có phù hợp với hồ Tây không? Bởi, đây là hai dòng nước hoàn toàn biệt lập, không có liên quan đến nhau (một là dòng chảy, một là dòng tĩnh). 

Trước mắt, muốn cải thiện môi trường thì phải cải tạo thoát nước xung quanh hồ Tây. Tiếp đó, xem xét các thông số về hệ thống nước sông Hồng, hồ Tây xem có khác biệt nhau hay không?

Đồng thời, cũng phải nghiên cứu hệ sinh thái của sông Hồng, tìm cách ngăn chặn nếu không phù hợp. Ít nhất cũng phải 1 năm nữa mới thực hiện được. Còn việc dùng nước hồ Tây để thau sông Tô Lịch cần phải tính kỹ.

Trân trọng cảm ơn PGS.TS.