Những người di tản khỏi khách sạn. Ảnh: Facebook.
"Tối qua, thảm họa xảy ra trong chuyến đi của gia đình tôi đến bờ biển Tây Java - chúng tôi bị sóng thần tấn công", người đàn ông có tên Oystein Lund Anderson ngày 23/12 viết trên Facebook.
Andersen đang ở bãi biển để chụp ảnh núi lửa Krakatau thì thấy một cơn sóng lớn đánh vào. "Tôi phải chạy, sóng trào vào trong đất liền 15-20m. Cơn sóng tiếp theo còn tràn vào khu vực khách sạn tôi đang ở và làm ngập những chiếc xe trên con đường ở phía sau", ông kể.
"Tôi di tản được gia đình đến vùng cao hơn qua các con đường rừng và các ngôi làng, nơi chúng tôi được người dân địa phương giúp đỡ. Không hề hấn gì, thật may quá!", Andersen cho biết. "Đây là lần đầu tiên tôi gặp sóng thần, hy vọng cũng là lần cuối".
Tại bãi biển Carita, địa điểm du lịch nổi tiếng ở bờ biển phía tây Java, Muhammad Bintang, 15 tuổi, kể lại: "Chúng tôi đến đây vào lúc 21h thì đột nhiên nước ập đến - trời tối, mất điện. Khu vực bê ngoài rất hỗn loạn và chúng tôi không thể ra được đến đường".
Ở tỉnh Lampung, Lutfi Al Rasyid, 23 tuổi, cho biết anh chạy trốn khỏi bãi biển ở thành phố Kalianda vì lo sợ cho tính mạng của mình. "Tôi không thể khởi động xe máy nên phải bỏ của chạy lấy người. Tôi chỉ cầu nguyện và chạy càng xa càng tốt", anh nói.
62 người thiệt mạng, 584 người bị thương, hàng trăm tòa nhà bị phá hủy sau khi sóng thần xảy ra ở eo biển Sunda vào 21h30 ngày 23/12. Giới chức Indonesia cho biết sóng thần không xảy ra sau một trận động đất mà có thể do thủy triều dâng bất thường vào thời điểm trăng non và lở đất dưới đáy biển do hoạt động tại đảo núi lửa Anak Krakatau.
Indonesia hồi tháng 9 đã hứng chịu cơn sóng thần do động đất 7,5 độ ở Sulawesi, khiến 2.000 người thiệt mạng và hơn 5.000 người mất tích.