Mặc dù phải cần đến 10 năm chờ đợi, nhưng giấc mơ vô địch AFF Cup cuối cùng cũng trở thành hiện thực vào những ngày đông giá rét năm 2018. Giờ đây, bóng đá Việt Nam đã có thể vươn mình trước những thử thách nơi sóng cả bao la...
Từ "giấc mơ con"...
ĐT Việt Nam đã có một năm 2018 diệu kỳ
Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày bước lên ngôi vị cao nhất Đông Nam Á năm 2008, người hâm mộ Việt Nam đã mòn mỏi chờ đợi sẽ có ngày, Đội tuyển nước nhà tái lập kì tích đó một lần nữa... Nhưng rồi, những hy vọng dần vơi đi theo từng năm. Và cũng ngần ấy thời gian, lần lượt Malaysia, Singapore và sự thống trị đến mức không có đối thủ của Thái Lan đã khiến những cổ động viên dải đất hình chữ S thêm đau...
HLV Park Hang-seo đến Việt Nam, ngay lập tức, bộ mặt của bóng đá nước nhà lột xác hẳn. Từ chiến tích U23 tại Thường Châu, cho đến một Olympic Việt Nam biến hóa khôn lường ở ASIAD tại Indonesia. Không một người dân Việt Nam nào lại không mơ mộng về "giấc mơ con" một lần nữa. Tuy chỉ là "giải đấu ao làng" nhưng NHM và các cầu thủ đội tuyển đã thèm khát vinh quang quá lâu rồi...
Hành trình hiện thực hóa "giấc mơ con", tuy không hồi hộp và kịch tính như năm 2008, nhưng cũng không ít chông gai. Quang Hải và các đồng đội phải vượt qua một Philippines "Âu hóa" ở bán kết, rồi tiến đến trận chung kết với chảo lửa Bukit Jalil nổi tiếng là "tử địa" dành cho đội khách. May sao, nhờ bản lĩnh của những chàng trai trẻ đã từng tôi luyện ở các giải đấu trẻ châu lục, thầy trò Park Hang-seo rốt cục cũng được chạm tay vào chiếc Cup.
Vinh quang lần này, cũng chính là cái kết tốt đẹp cho "giấc mơ con" mà bóng đá Việt Nam đã ấp ủ trong suốt 10 năm qua. "Những chiến binh sao vàng" dường như sẵn sàng cho một giấc mơ lớn hơn, và cũng có thể là hơn thế nữa!
Vươn mình nơi biển cả...
Thế hệ cầu thủ dự Asian Cup 2007 từng gây tiếng vang lớn trong lòng công chúng...
Hơn 11 năm trước, vào những ngày hè nóng kỉ lục ở Hà Nội năm 2007, nhiệt độ ban ngày có thể lên đến mức 40 độ C. Bầu không khí "hầm hập" ấy dường như chẳng thể khuất phục nổi thế hệ tài năng hiếm có ngày đó, cùng những khát khao chiến đấu để chứng minh cho cả châu Á thấy rằng, Việt Nam tham dự giải này không hẳn chỉ vì cái mác "nước đồng chủ nhà" của giải đấu Asian Cup.
Nằm chung bảng với UAE - ĐKVĐ Cup Vùng vịnh năm đó, Qatar - ĐKVĐ ASIAD 2006 và đội tuyển đẳng cấp thế giới Nhật Bản - đồng thời cũng đang là ĐKVĐ kì Asian Cup 2004, không nhiều chuyên gia cho rằng đội đồng chủ nhà Việt Nam sẽ vượt qua bảng đấu này. Thế nhưng, HLV Alfred Riedl ngày ấy đã chứng tỏ mình "cao tay" như thế nào. Thắng UAE 2-0 trong trận mở màn, hòa Qatar 1-1 là những kết quả mà những người chứng kiến giải đấu vẫn còn nhớ mãi!
Và mặc dù thua đậm Nhật Bản 1-4 ở lượt cuối, nhưng ĐT Việt Nam vẫn vượt qua bảng B với ngôi nhì. Do lịch thi đấu đã ấn định từ trước, thầy trò Alfred Riedl phải sang Thái Lan đá tứ kết với Iraq và thua 0-2. Iraq cũng chính là đội vô địch giải đấu năm 2007. Dù dừng bước nhưng việc nằm trong top 8 giải đấu cũng đã là thành công vang dội của bóng đá Việt Nam ngay lần đầu "ra mắt" châu lục.
Phải mất gần 10 năm chúng ta mới tìm được một "Thế hệ vàng" kế tiếp...
Giờ đây, thế hệ vừa mới lên ngôi Đông Nam Á lại lãnh trọng trách cao cả khác. Họ sẽ phải giúp ĐT Việt Nam một lần nữa "ghi dấu" trên đất UAE. Việc không gọi trở lại những cựu binh như Anh Đức, Văn Quyết, cùng với đó là bổ sung những nhân tố trẻ chỉ mưới vượt qua tuổi đôi mươi, đã cho thấy ý đồ của "ngài Park" là rất rõ ràng. Ông muốn đem lại sự tươi trẻ của ĐTVN đến với Asian Cup 2019.
Với đội hình chủ yếu gồm những cầu thủ trẻ đã từng tạo nên địa chấn ở hai giải trẻ châu lục trong năm 2018, chắc chắn họ vẫn còn năng lượng, khát khao thể hiện. Cùng với đó là hành trang kinh nghiệm khi phải đối đầu với những đối thủ cao to đến từ Tây Á như Iran, Iraq và Yemen. "Giấc mơ lớn" đã được nhen nhóm trở lại sau hơn 11 năm, và không có lý do gì giấc mơ ấy không thể trở thành hiện thực.
Cầu chúc cho lần "vươn mình ra biển cả" lần này của các chiến binh áo đỏ thành công rực rỡ trên đất UAE!