Dân Việt

Phai nhạt chèo làng Đặng

Hồ Phương Phúc 18/07/2013 06:51 GMT+7
Chèo Đặng Xá (xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, Nam Định) được biết tới như “địa chỉ đỏ” của nghệ thuật hát chèo Bắc Bộ xưa. Nhưng giờ đây, những làn điệu chèo cổ, những nghệ nhân tâm huyết đã thưa vắng dần...
Một thời nức tiếng
Cuộc gặp giữa chúng tôi với lãnh đạo địa phương, với những nghệ nhân hát chèo lại càng chứng tỏ một thực trạng buồn đối với văn hóa truyền thống của làng Đặng Xá. Không thể phủ nhận rằng, đã có thời chèo Đặng Xá nức tiếng gần xa, đã từng vang danh trong các cuộc thi huyện, tỉnh. Cũng chính vì tiếng tăm đó mà làng Đặng còn được vào cả bài thơ “Mưa xuân” của Nguyễn Bính: “Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ/Mẹ bảo, thôn Đoài hát tối nay...”.
Đội chèo Làng Đặng Xá gồm các bà, các chị  vẫn say mê với tiếng hát chèo.
Đội chèo Làng Đặng Xá gồm các bà, các chị vẫn say mê với tiếng hát chèo.

Làng Đặng Xá xưa được coi là cái nôi của nghệ thuật hát chèo truyền thống đất Nam Định. Những thế kỷ trước, huyện Mỹ Lộc đã từng có tới ba làng chèo nổi tiếng. Đó là làng Đặng (xã Mỹ Hưng), làng Quang Sán (xã Mỹ Hà), làng Nhân Nhuế (xã Mỹ Thuận). Nhưng trong số đó, gánh hát chèo Đặng Xá vẫn nổi lên đặc biệt hơn cả, bởi làng có 10 thôn thì hầu hết người dân đều mang họ Đặng, chính vì lẽ đó mà làng mới có tên gọi là làng Đặng như ngày nay.
Cụ Đặng Mạnh Yêu (80 tuổi), người đã có hơn 60 năm gắn bó với nghệ thuật hát chèo làng Đặng cho biết: “Thuở ấy, anh em chúng tôi tham gia sinh hoạt văn nghệ nhiệt huyết lắm, khó khăn hay vất vả thế nào cũng không bao giờ tính đếm. Năm 1961, đội chèo làng Đặng đã đoạt giải Nhất hội thi diễn chèo toàn tỉnh với các vở “Bụi tre gai” và “Sao đổi ngôi”. Năm 1963, đội thi diễn chèo toàn Quân khu 3, đoạt giải Nhất với vở “Nắm cỏ trâu”. Khi phong trào ca hát ở địa phương phát triển, đội có hơn 30 người, hoạt động hết sức sôi nổi. Ngày ngày đội chèo đi khắp các thôn, xóm diễn chèo cho người dân xem.
Ngoài phục vụ nhân dân trong tỉnh, đội văn nghệ làng Đặng còn đi phục vụ các nhân dân các tỉnh khác như Thái Bình, Hoà Bình...”. Cùng với những vở chèo cổ như: “Trương Viên”, “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình Dương Lễ... còn có rất nhiều vở chèo mới ra đời trong các thời kỳ kháng chiến để phục vụ nhân dân như: “Trên nương dâu”, “Nồi cơm ai nấu”, “Song tấu”, “Giôn-sơn đau đầu”, “Bão biển”, “Đường về trận địa”, “Tiễn anh lên đường”... Những vở chèo mới này được cải biên lời dựa trên làn điệu cũ sao cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước từng thời kỳ để động viên tinh thần người dân.
Vắng tiếng trống chèo
Thế rồi, đến những năm 1980, chèo Đặng Xá bắt đầu có dấu hiệu hoạt động chững lại và thưa vắng dần. Đội chèo theo đó mà tan rã, các hoạt động biểu diễn không còn được duy trì và sôi nổi như nhiều năm về trước. Và đến giờ này, làng Đặng Xá chỉ có xóm 2 là còn giữ được không khí hát chèo. Đúng hơn thì người ta gọi đó tổ chèo, gồm một nhóm các cụ cao tuổi, trung niên vẫn còn yêu mến lời ca, tiếng hát hợp lại mà thành chứ trên thực tế thì cái tên “làng chèo Đặng” xưa đã không còn nữa.

Cụ Đặng Mạnh Yêu tâm sự: “Chèo làng Đặng đã có giai đoạn phát triển rất rực rỡ nhưng đáng buồn là bây giờ chẳng còn mấy ai muốn theo cái nghiệp hát chèo này nữa. Thị hiếu của công chúng thay đổi, hoạt động của đội chèo không còn được quan tâm đến mức phải giải tán, đó là điều buồn nhất với tôi”.


Đứng đầu tổ chèo xóm 2 là cụ Đặng Mạnh Yêu- người dù tuổi cao sức yếu vẫn nhiệt tâm với câu hát cổ của dân tộc. Bà Đặng Thị Thắm (68 tuổi) - thành viên của tổ chèo tâm sự: “Thú thật với các anh, chúng tôi duy trì tổ chèo này là hoàn toàn tự nguyện, không nhận được bất kỳ một sự trợ cấp nào cả. Chúng tôi làm với mong muốn giữ lại tiếng hát chèo của quê hương, truyền lại nét sinh hoạt văn hóa ấy cho các thế hệ kế cận”.
Ông Đặng Công Dũng- Chủ tịch UBND xã Đặng Xá cho biết: “Việc truyền nghề và đào tạo lớp diễn viên kế cận cho nghề này là điều không phải dễ, bởi không phải ai cũng có lòng đam mê và tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó, làng chèo cũng rất cần tới sự quan tâm của các cấp chính quyền, bởi không có những chính sách đãi ngộ hợp lý và những điều kiện thuận lợi thì rất khó để lớp trẻ có thể dũng cảm theo nghề...”.