Quan hệ giữa Nga và Israel vẫn căng thẳng bất chấp nỗ lực hàn gắn của 2 bên.
Theo Jerusalem Post, sau thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Washington sẽ ngay lập tức rút quân khỏi Syria các nhà phân tích tin rằng điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với Israel lúc này là hàn gắn mối quan hệ căng thẳng với Nga sau thảm kịch trinh sát cơ Il-20 của Nga bị bắn hạ ở Syria.
Quan hệ giữa Israel và Nga đã xấu đi sau thảm kịch vào tháng khiến 15 sĩ quan Nga thiệt mạng. Moscow đã đổ lỗi cho Israel vì không đưa ra các cảnh báo trước đầy đủ khi tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu gần căn cứ quân sự Nga. Israel đã phủ nhận cáo buộc.
Tuy nhiên, hai bên sau đó đã có một số nỗ lực cải thiện quan hệ bao gồm việc Israel cử một phái đoàn quân sự đến Moscow để thông báo cho các quan chức Nga về Chiến dịch Lá chắn Phương Bắc, được quân đội Israel phát động để tìm và phá hủy các đường hầm tấn công của Hezbollah kéo dài vào Israel.
Trong khi đó, hôm 19.12, Moscow cũng phái một phái đoàn đặc biệt tới Israel để giúp giảm bớt căng thẳng, báo hiệu sự sẵn sàng của Điện Kremlin để vượt qua khủng hoảng, hàn gắn quan hệ với Tev Avil.
Tuy nhiên, trước khi phái đoàn Nga đến Israel, 2 nước đã xảy ra bất hòa tại Liên Hợp Quốc. Hai chính phủ đã có lập trường trái ngược nhau về các nghị quyết của Đại hội đồng. Trong khi Nga làm thất bại một nghị quyết do Mỹ đề xuất lên án Hamas ở Dải Gaza thì Israel dường như đã trả đũa về mặt ngoại giao khi bỏ phiếu cho một nghị quyết lên án việc quân sự hóa bán đảo Crimea của Nga. Nghị quyết trên cũng yêu cầu Moscow chấm dứt việc chiếm đóng Crimea. Trước đó, Israel thường giữ thái độ "im lặng" về căng thẳng Nga-Ukraine.
Về phần mình, Điện Kremlin đã mời lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh đến thăm Moscow vào cuối tháng này bất chấp sự phản đối của Jerusalem.
Bình luận về mối quan hệ như "đi trên dây" của Nga và Israel sau sự cố trinh sát cơ Il-20 bị bắn hạ ở Syria, ông Zvi Magen, cựu Đại sứ Israel tại nga và Ukraine nói: "Người Nga đã cố gắng thay đổi luật chơi và người Israel không thích điều đó. Mặt khác, các quan chức Nga muốn dạy cho Israel một bài học rằng, họ sẽ bảo vệ các lợi ích của riêng mình. Nhìn chung, quan hệ Nga-Israel vẫn rất căng thẳng".
Theo ông Magen, Nga là một nước có ảnh hưởng rất lớn trong khu vực, do đó, việc duy trì mối quan hệ song phương tốt đẹp với Nga sẽ giúp Israel đảm bảo các lợi ích an ninh của nước này.
Trong khi đó, Tiến sĩ Samuel Barnai, một chuyên gia về lịch sử và chính trị về Đông-Trung Âu ở Jerusalem tin rằng những căng thẳng hiện liên quan đến Syria có thể tác động lâu dài đến mối quan hệ của Israel với Nga.
Theo ông Barnai, người Nga cung cấp cho chế độ Assad chủ yếu sự hỗ trợ trên không trong khi Iran và lực lượng dân quân người Shiite ủng hộ trên mặt đất. Quan hệ đối tác này buộc Israel phải cân nhắc với sự hiện diện quân sự của Moscow trong khu vực nhưng khiến Jerusalem gặp khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Đây là một vấn đề có tính chất quan trọng sống còn đối với Israel bởi vì nước này không thể cho phép Iran và các lực lượng được Cộng hòa Hồi giáo hậu thuẫn mạnh hơn, mở rộng tầm ảnh hưởng.