Dân Việt

Tác phẩm Văn học tuổi 20: Bộ "nhận diện thương hiệu" của lớp người viết mới

Diệu Thuỳ 24/12/2018 17:05 GMT+7
“Các tác phẩm chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6 thể hiện những góc nhìn mạnh mẽ và thẳng thắn của người viết về chính mình trên con đường tìm kiếm bản ngã khi đối diện những vấn đề gai góc của con người và xã hội hiện đại”, ông Dương Thành Truyền – Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết.

img

Từ trái qua, ông Dương Thành Truyền, 2 tác giả được giải nhì Maik Cây, Mai Thảo Yên và bà Vương Thanh Liễu - Phó Bí thư Thành Đoàn TP.HCM. Ảnh: D.T

Sau 3 năm phát động (24.12.2015 – 31.5.2018), Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 6 do Hội Nhà văn TP.HCM, báo Tuổi Trẻ, nhà xuất bản Trẻ tổ chức đã có kết quả chung cuộc. Ban tổ chức đã trao giải thưởng chính thức cho 9 tác giả gồm 4 giải tư, 3 giải ba và 2 giải nhì (không có giải nhất); và 1 tác giả được nhận giải tác phẩm được yêu thích nhất do bạn đọc bình chọn.

“3 chọn” của những cây bút trẻ

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Dương Thành Truyền cho biết, Văn học tuổi 20 lần 6 đã nhận được 458 tác phẩm dự thi gồm 347 truyện dài và 111 tập truyện ngắn. Trong số đó, có 14 cây bút trẻ đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài như Pháp, Nhật, Úc, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Singapore... Phần lớn các cây bút đều thuộc lứa tuổi 20 (tuổi trung bình của các tác giả dự thi là 24,5 tuổi) có cái nhìn sâu rộng với vốn hiểu biết dày dặn bởi học thức và trải nghiệm.

img

Hai tác phẩm được giải nhì Văn học tuổi 20 lần 6 (2015 - 2018)

Theo ông Truyền, điều làm nên sự khác biệt và hấp dẫn của tác phẩm Văn học tuổi 20 lần này là những chỉ dấu, hay có thể nói đó là bộ nhận diện thương hiệu “3 chọn” của một lớp người viết mới.

Một, đó là những người trẻ chọn xê dịch làm một phần tất yếu của cuộc sống. Họ bước ra bên ngoài, ra khỏi những không gian quen, muốn là một phần của thay đổi và chấp nhận đối diện với mọi đổi thay. Hai, đó là những người trẻ chọn tri thức làm nền tảng sức mạnh để sáng tác. Họ tìm kiếm, suy ngẫm, truy vấn, khai phá và hệ thống hoá mọi thứ có liên quan đến đề tài mà mình ôm ấp với một đam mê cháy bỏng. Ba, những người trẻ này chọn phá cách làm cảm hứng sáng tạo. Họ đào bới các yếu tố nghệ thuật, tìm kiếm để mang lại những hình thức biểu đạt mới.

“Các cây bút tìm cách vượt qua các đường biên về thể loại, trộn lẫn mọi phương thức diễn đạt có thể có, khiến cho cái cũ thành cái mới lạ... để làm nên những trang viết cuốn hút, hiện đại và mới mẻ”, ông Truyền nhìn nhận.

img

Người đọc trẻ khá hào hứng đón nhận các tác phẩm của những người viết cùng độ tuổi. Ảnh: D.T

Chia sẻ về tác phẩm đạt giải của mình, cây bút Mai Thảo Yên cho biết chị viết "Người lạ" trong giai đoạn rất chông chênh khi bước vào con đường nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý ở đại học Upsala, Thụy Điển. "Rất khó để tôi có thể gọi tên những bức bối của mình quãng thời gian ấy, việc cho ra đời cuốn sách này giúp tôi định dạng những suy tư, trăn trở và nhìn ra con đường mình đang chọn có thể cô đơn, chông gai. Nhưng mình đã xác định đi với đam mê thì cần phải có sự dũng cảm".

Còn với "Wittgenstein của thiên đường đen", cuốn sách được nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận xét là "lạ, độc và điên rồ", tác giả Maik Cây nói: "Như tất cả các tác phẩm hư ảo, khó khăn đối với tôi xuất phát từ việc mình không sống trong thế giới ấy, tôi phải tưởng tượng ra những chi tiết của thành phố Lê, cách nó vận hành, sự thay đổi tính cách của người dân nơi này... Và khó khăn hơn chính là làm sao đưa những cảm xúc của mình vào cuốn sách, bởi ngôn từ về bản chất chỉ là "xác chữ", quan trọng mình phải thổi hồn vào nó".

Những trang viết giàu suy tưởng

Đánh giá về các tác phẩm chung khảo, PGS. TS Nguyễn Thành Thi – Trưởng khoa Văn của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thành viên Hội đồng chung khảo, cho rằng chất suy tưởng trong các tác phẩm Văn học tuổi 20 lần này có nhiều sắc thái mới mẻ. Trong đó, có những suy tưởng và tình cảm thiết tha về dân tộc, đất nước, con người trong hành trình ngược về quá khứ để hiểu, cắt nghĩa cội nguồn, lịch sử, về văn hoá dân tộc ("Trăng trong cõi", "Những đứa con cổ tích", "Nhân gian nằm nghiêng", "Yagon những kẻ vô cảm"...); Có những suy tư về khả năng và thách thức của người trẻ Việt Nam trong hội nhập khi đi nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài ("Người lạ"); Có những trăn trở rất thực về đời sống, công việc và nhân cách trước những va đập, trải nghiệm thường nhật của người trẻ ("Bữa đời bạc phận", "Những câu chuyện trong thành phố"...).

img

Ba tác giả được giải ba đang giao lưu với bạn đọc. Ảnh: D.T

Theo PGS Thi, chất suy tưởng nhiều khi thấm vào hình hài của nhân vật, tâm thức của người kể chuyện, sắc điệu của ngôn từ; thường là gắn với những trải nghiệm riêng của chính tác giả, được nâng đỡ bởi đôi cánh bay bổng của trí tưởng tượng trẻ trung... “Đặc điểm chung của tác phẩm dự thi là hàm súc, nhiều thử nghiệm mang tính hiện đại, gia tăng nhiều yếu tố kỳ ảo, siêu thực là những nét làm nên “thương hiệu” của cuộc thi này”, ông Thi kết lại.

img

Các tác giả được giải tư và PGS. TS Nguyễn Thành Thi (bìa phải). Ảnh: D.T

Cũng trong lễ trao giải, Ban tổ chức đã chính thức phát động Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 7 từ 1.1.2019 đến 30.5.2021. Từ 2021, cuộc thi sẽ chuyển qua hình thức xét trao Giải thưởng Văn học tuổi 20 định kỳ 3 năm một lần, nhằm mục đích tăng cơ hội xuất bản sách hơn cho các cây bút trẻ.

Danh sách các tác phẩm đoạt giải Văn học tuổi 20 lần 6:

- Giải nhì (50 triệu đồng/giải): Wittgenstein của thiên đường đen (Maik Cây), Người lạ (Mai Thảo Yên)

- Giải ba (30 triệu đồng/giải): Sau những ngày mưa (Phạm Thu Hà), Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa (Hiền Trang), Yagon - Những kẻ vô cảm (Phạm Bá Diệp)

- Giải tư (20 triệu đồng/giải): Cửa sổ phía đông (Nguyễn Thị Kim Hoà), Độc hành (Nguyễn Đinh Khoa), Nhân gian nằm nghiêng (Đặng Hằng), Chuyến tàu nhật thực (Đinh Phương)

- Giải Tác phẩm được yêu thích nhất do bạn đọc bình chọn: Cánh đồng ngựa (Nguyên Nguyên)