Các công ty tài chính tiêu dùng tham gia vào việc cho vay trả góp điện thoại, máy vi tính (Ảnh: Quốc Hải)
Doanh số “gà đẻ trứng vàng” giảm mạnh
Theo số liệu công bố hàng năm từ VPBank, trong giai đoạn 2015 - 2017, Fe Credit thực sự là "gà đẻ trứng vàng" cho ngân hàng này khi đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất mỗi năm. Trong đó, đỉnh điểm là năm 2017, Fe Credit đã đóng góp một nửa lợi nhuận vào VPBank. Kết quả này khiến lãnh đạo VPBank kỳ vọng Fe Credit sẽ tiếp tục đóng góp trên 50% tổng lợi nhuận cho VPBank vào năm 2018, tức khoảng 5.000 tỷ theo kế hoạch.
Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ trọng của Fe Credit đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng hợp nhất 9 tháng vừa qua chỉ còn 36-37%, thay vì mức trên dưới 50% như trước. Điều này khiến các chuyên gia phân tích của nhiều công ty chứng khoán dự kiến cả năm nay, tỷ trọng lợi nhuận đóng góp của Fe Credit cũng chỉ giữ nguyên ở mức này, tức khoảng hơn 3.000 tỷ, chứ không thể đạt như mục tiêu đề ra là chiếm khoảng 50% (tương đương 5.000 tỷ đồng) như dự kiến trước đó.
Tương tự, với HDBank, ngân hàng này cũng từng kỳ vọng rất lớn vào Công ty Tài chính HD Saison. Với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) luôn duy trì ở mức hơn 30% suốt từ năm 2015 đến 2017 và dự kiến giữ vững tốc độ này thì HD Saison sẽ đóng góp khoảng 39% vào lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất trong năm nay, tức cũng không dưới 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số liệu 9 tháng đầu năm 2018 cho thấy, theo tính toán của các nhà phân tích đến từ Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), thì công ty tài chính HD Saison chỉ đóng góp khoảng 21,4% vào lợi nhuận trước thuế hợp nhất (trong tổng 2.884 tỷ) của HD Bank.
Còn theo số liệu tổng hợp theo phân tích của chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, tính đến cuối tháng 11 vừa qua, FE Credit chỉ đóng góp cho hoạt động chung của VPBank khoảng 30%, ít hơn nhiều so với mức gần 50% của năm 2017; còn một “con gà đẻ trứng vàng” khác của HDBank là HD Saison thì tính đến hết tháng 11 vừa qua chỉ đóng góp khoảng gần 21% cho tổng lợi nhuận của HDBank, trong khi số liệu năm 2017 là gần 40%.
Áp lực năm 2019 sẽ rất lớn?
Đánh giá về hoạt động của các công ty tài chính trong thời gian tới, Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín cho rằng, tốc độ tăng trưởng hoạt động cho vay của các công ty tài chính những năm gần đây trung bình khoảng 40%, được xem là “con gà đẻ trứng vàng” trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Thế nên không ngạc nhiên khi thời gian qua và chắc chắn trong thời gian tới, các công ty tài chính sẽ tiếp tục sinh sôi nảy nở.
Về nguyên nhân, theo ông Tín có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, việc quản lý đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) thường chặt chẽ hơn các công ty tài chính; Thứ 2, việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng với các công ty tài chính thì vẫn dễ dàng hơn so với các NHTM khi người dân có nhu cầu vay vài triệu đến vài chục triệu đồng; Thứ 3, thời gian giải ngân cho nhu cầu của người dân đối với các công ty tài chính thì nhanh chóng hơn so với các NHTM (có thể chỉ từ 30 phút là các công ty tài chính có thể giải ngân xong rồi), và vì thế cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
“Theo đánh giá của tôi thì thời gian tới các công ty tài chính sẽ tiếp tục nở rộ, đặc biệt là hoạt động cho vay ngang hàng sẽ cực kỳ phát triển dù hành lang pháp lý hiện nay chưa hỗ trợ”, ông Tín khẳng định.
Cũng theo ông Tín, có thể nói, trong room tăng trưởng tín dụng nói chung thì tăng trưởng tín dụng của công ty tài chính sẽ góp phần vào room tăng trưởng tín dụng của các NHTM. Vì vậy, với định hướng "siết” room tăng trưởng tín dụng của hệ thống các TCTD thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của các công ty tài chính.
“Nguyên nhân là vì không chỉ các NHTM sẽ phải giảm các hoạt động cho vay mà các công ty tài chính cũng phải giảm hoạt động cho vay vì tỷ lệ nợ xấu của công ty tài chính sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu chung của các NHTM; kế đến hoạt động cho vay của các công ty tài chính sẽ góp vào room tăng trưởng tín dụng của các NHTM. Cuối cùng là trong năm 2019, kể cả luôn chậm nhất là ngày 1.1.2020 các NHTM sẽ phải quản lý điều hành rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực của Basel II sẽ rất áp lực nên các NHTM sẽ phải giảm tỷ lệ các hoạt động cho vay có nhiều rủi ro (gồm hoạt động cho vay BĐS, cho vay đầu tư chứng khoán và cho vay công ty tài chính)”, ông Tín phân tích.
Trong mảng tài chính tiêu dùng, Fe Credit đang nắm giữ vị trí số 1 với hơn 50% thị phần. Các vị trí tiếp theo thuộc về Home Credit - công ty trực thuộc Tập đoàn Home Credit có trụ sở tại Séc và HD Saison - công ty liên doanh giữa HDBank và Tập đoàn Saison của Nhật xếp vị trí thứ 3 về thị phần. Hơn chục công ty tài chính tiêu dùng còn lại chia nhau miếng bánh khoảng trên dưới 20% thị phần. |