Dân Việt

Ngân hàng Agribank chi nhánh Bắc Giang II: Tiếp sức cùng nông dân làm giàu

Việt Tùng 24/12/2018 13:39 GMT+7
Linh động, sáng tạo trong việc xử lý thủ tục vay vốn, hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất để tiếp xúc với nguồn vốn, đặc biệt là vốn vay ưu đãi, Ngân hàng Agribank chi nhánh Bắc Giang II và các Phòng giao dịch tại các huyện đang là “cánh tay nối dài”, tiếp sức giúp người dân mở rộng sản xuất và làm giàu trên chính quê hương mình…

Agribank Lục Nam sự hài lòng của khách hàng là thước đo

Ông Lưu Văn Phượng – Giám đốc Agribank huyện Lục Nam (Bắc Giang) cho biết, tính đến ngày 28.11.2018 chi nhánh có tổng nguồn vốn huy động hơn 2.615 tỷ đồng, tăng 261 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng đạt hơn 11%. Trong đó, dư nợ cho vay đạt hơn 1.544 tỷ đồng, tăng 115 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 11%, với hơn 13.469 khách hàng Tỷ lệ nợ xấu 1%. Dự kiến đến hết ngày 31.12.2018 tổng số dư sẽ đạt hơn 1.546 tỷ đồng, nợ xấu dưới 1%.

img

Anh Đồng Văn Lập, thôn 3, xã Hương Lạc (Lạng Giang) hiện đang được Phòng giao dịch ngân hàng Agribank Lạng Giang (Bắc Giang) cho vay 1,6 tỷ đồng để chăn nuôi lợn.

Theo ông Phượng, khách hàng của Phòng giao dịch Agribank Lục Nam rất đa dạng, trong đó cho các hộ vay để kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi có số dư nợ lớn nhất. Số khách hàng được ngân hàng cho vay từ 1 tỷ đồng trở lên rất nhiều, ngoài ra nhiều khách hàng được vay lên đến 5 tỷ đồng. Từ sự hộ trợ cho vay vốn của Agribank Lục Nam, nhiều hộ đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, trở thành các hộ khá, giàu và đang tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Ngoài ra, cũng từ nguồn vốn của Agribank Lục Nam, nhiều hộ nghèo đã vượt khó thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Chúng tôi về thăm trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng và gà hậu bị của anh Ngô Văn Ánh, ở thôn Quê, xã Bảo Đài (Lục Nam, Bắc Giang) vào một ngày cuối năm. Khi chúng tôi đến, anh Ánh vẫn đang tất bận với đàn gà trong khu trang trại rộng mênh mông, mặc dù chúng tôi đã báo trước. Gặp chúng tôi, anh Ánh vui vẻ cho biết, anh vừa kiểm lô trứng lớn để nhập cho khách hàng và xin lỗi vì để chúng tôi phải chờ.

img

Anh Đồng Văn Lập, thôn 3, xã Hương Lạc (Lạng Giang) dự kiến sẽ tiếp tục nâng hạn mức vay lên để có tiền đầu tư mở rộng sản xuất.

Pha ấm trà mời khách, anh Ánh kể cho chúng tôi nghe “cái duyên” với nghề nuôi gà của mình. Theo anh Ánh, anh đã gắn bó với nghề nuôi gà 10 năm nay, nhưng trước đây anh nuôi chung với một người khác, sau một thời gian anh đã quyết định tách ra để lập trang trại riêng. Lúc đầu tách ra, vốn khó khăn, nên anh Ánh chỉ nuôi khoảng 5.000 gà đẻ, dần dần tăng lên 1 vạn, rồi 2 vạn con. Và hiện anh có tới 4 trại gà đẻ và 1 trại gà hậu bị, với 3,5 vạn con gà.

Anh Ánh cho biết, hiện mỗi tháng trang trại của anh xuất khoảng 70 – 80 vạn quả trứng ra thị trường, với giá khoảng 1.700 – 1.800 đồng/quả, gia đình anh thu về khoảng 150 triệu đồng và hàng chục triệu đồng từ gà hậu bị. Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại của anh còn tạo việc làm cho 7 – 10 lao động, với lương từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.

“Lúc đầu tôi chỉ vay 500 triệu đồng, do thủ tục vay vốn còn nhiều hạn chế, liên quan đến việc thế chấp tài sản. Nhưng rất may, từ năm ngoái đến nay lãnh đạo Phòng giao dịch ngân hàng Agribank Lục Nam đã linh động cho tôi vay 2 tỷ đồng, nhờ đó giúp tôi có thêm đồng vốn để đầu tư mở rộng trang trại, tăng đàn. Cũng nhờ đó, năm 2017 trừ chi phí trang trại của tôi lãi 1,8 tỷ đồng” – anh Ánh cho biết.

Dẫn chúng tôi vào khu trang trại, anh Ánh cho biết, do diện tích trang trại hạn chế, nên anh phải đặt ở 3 nơi khác nhau. Anh Ánh bộc bạch: “Việc phải đặt các trại ở các vị trí khác nhau rất bất tiện, khó khăn trong việc quản lý. Tôi dự đang tìm nơi để thuê đất đủ rộng để mở trang trại tập trung, tuy nhiên vì vẫn đang thiếu vốn, nên cũng chưa quyết được. Nếu được Phòng giao dịch Phòng giao dịch ngân hàng Agribank Lục Nam, tiếp tục tin tưởng và hỗ trợ cho tôi tăng định mức vay, tôi sẽ quyết tâm thực hiện dự định của mình”.

Cách nhà anh Ánh không xa là trang trại của gia đình anh Lê Văn Tâm thôn Thuẫn, xã Bảo Đài. Khác với anh Ánh, anh Tâm không đầu tư nuôi gà, mà đầu tư vào trang trại sản xuất rau công nghệ cao. Theo anh Tâm, sở dĩ anh chọn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, bởi hiện nay người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sức khỏe, chất lượng của các loại rau, củ, quả. Trong khi đó, rau, củ, quả kém chất lượng lại đang được bày bán tràn lan, khiến người tiêu dùng rất không an tâm. Do đó, nhu cầu về rau, củ, quả sạch ngày càng lớn, nếu tập trung sản xuất ra các loại rau, củ, quả sạch, có chất lượng cao, thì đây sẽ là thị trường rất tiềm năng.

Nghĩ là làm, ngoài những đồng vốn tự có của gia đình, anh Tâm đã mạnh dạn vay thêm 500 triệu đồng từ Phòng giao dịch ngân hàng Agribank Lục Nam để mở rộng sản xuất. Anh Tâm cho biết, hiện sản phẩm rau, củ, quả của gia đình anh cung cấp cho khắp thị trường Bắc Giang, Hà Nội và các tỉnh lân cận, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

“Đầu tư vào nông nghiệp không lãi nhiều, thu hồi vốn chậm, nhưng biết cách làm, làm đúng cách và đi đúng hướng vẫn có thể sống khỏe với nghề. Song để làm được, nguồn vốn rất quan trọng. Tôi đã rất may nắm được Phòng giao dịch ngân hàng Agribank Lục Nam hỗ trợ cho vay trong lúc đang khó khăn về vốn, nhờ đó tôi đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và có hiệu quả như ngày hôm nay” – anh Tâm chia sẻ.

Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, ông Phượng cho biết, với phương châm “khách hàng là thượng đế”, lấy “sự hài lòng của khách hàng” làm thước đo, Phòng giao dịch ngân hàng Agribank Lục Nam luôn tìm mọi cách nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Kịp thời xử lý, giải quyết các thủ tục, rút ngắn thời gian để giải ngân kịp thời cho khách hàng…

Agribank Lạng Giang đi đầu về huy động vốn

img

Anh Ngô Văn Ánh, ở thôn Quê, xã Bảo Đài (Lục Nam, Bắc Giang) hiện đang vay vốn từ Phòng giao dịch ngân hàng Agribank Lục Nam 2 tỷ đồng để chăn nuôi gà đẻ trứng và gà hậu bị.

Không phải là Phòng giao dịch Agribank có số tổng nguồn vốn và số dư nợ lớn nhất, trong hệ thống Ngân hàng Agribank chi nhánh Bắc Giang II, song Phòng giao dịch Agribank Lạng Giang lại luôn đi đầu trong việc huy động nguồn vốn tuyệt đối với hơn 320 tỷ đồng. Ngoài ra Phòng giao dịch Agribank Lạng Giang còn có nợ xấu chỉ 0,7%.

Theo đó, tính đến ngày 28.11.2018, tổng nguồn vốn của Phòng giao dịch Agribank Lạng Giang là 2.410 tỷ đồng, tăng 320 tỷ so với đầu năm. Tổng dư nợ đạt 1.083 tỷ đồng, với hơn 7.000 khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến – Giám đốc Agribank Lạng Giang cho biết, mặc dù việc huy động vốn và giải ngân vốn ngày càng khó khăn, do nhiều nguyên nhân khác nhau, như việc cạnh tranh của nhiều ngân hàng khác, tình hình kinh tế khó khăn, giá cả lợn, gà bấp bênh, người chăn nuôi gặp nhiều rủi ro, nên việc đầu tư rất hạn chế. Song với sự nỗ lực của cả hệ thống, Phòng giao dịch Agribank Lạng Giang đã hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra, trong đó đứng đầu Agribank chi nhánh Bắc Giang II về nguồn vốn huy động.

Theo bà Yến, Phòng giao dịch Agribank Lạng Giang có không ít khách hàng trước đây là khách hàng vay vốn của ngân hàng, sau một thời gian làm ăn hiệu quả có lãi, chính họ lại trở thành khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng, nhờ đó số dư nợ và nguồn vốn huy động của Phòng giao dịch Agribank Lạng Giang liên tục tăng lên theo các năm.

img

Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại của anh còn tạo công ăn việc làm cho 7 lang động với mức lương từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.

Anh Đồng Văn Lập, thôn 3, xã Hương Lạc (Lạng Giang) là một trong những khách hàng có rất nhiều duyên nợ với Phòng giao dịch Agribank Lạng Giang. Anh Lập cho biết, anh bắt đầu tiếp cận và vay nguồn vốn từ ngân hàng Agribank từ năm 2009, khi đó anh Lập chăn nuôi nhỏ lẻ, nên chỉ dám vay 60 triệu đồng.

“Lúc đầu tôi chỉ nuôi khoảng 100 con lợn thịt, sau đó tăng dần lên và hiện tôi nuôi khoảng 1.100 con/lứa, trung bình 1 năm 2,5 lứa. Trung bình mỗi năm tôi xuất chuồng khoảng 600 tấn lợn hơi (khoảng 6.000 con), lãi từ 500.000 – 700.000 đồng/con, lợi nhuận từ 3 – 3,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên, với mức lương 5 – 6 triệu đồng/người/tháng” – anh Lập cho biết.

Theo anh Lập, hiện trang trại của anh có diện tích khoảng 2ha, với tổng đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. “Đầu tư vào chăn nuôi lợn rất tốn kém, đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn. Từ năm 2016, tôi đã được Phòng giao dịch ngân hàng Agribank Lạng Giang cho vay 1,6 tỷ đồng để đầu tư mở rộng trang trại. Từ nguồn vốn này, tôi đã xây thêm nhiều dãy chuồng, vào thêm đầu lợn, nhờ đó mà thu nhập của trang trại cũng không ngừng tăng lên. Nếu năm 2016, lợi nhuận chỉ hơn 1 tỷ đồng, thì nay lợn nhuận đã tăng lên từ 3 – 3,5 tỷ đồng” – anh Lập vui vẻ cho biết.

Anh Lập chia sẻ, mặc dù trang trại lãi ròng hàng tỷ đồng mỗi năm, song chăn nuôi lợn đầu tư rất lớn, hơn nữa anh vẫn đang muốn tiếp tục mở rộng trang trại, xây dựng chuồng trại ngày càng hiện đại hơn, với hệ thống cho ăn, uống tự động và hệ thống xử lý chất thải hiện đại… nên anh chưa có nguồn tiền dư thừa để quay trở lại gửi tiết kiệm tại ngân hàng Agribank.

“Nếu cứ đà này, giá lợn ổn định, không dịch bệnh, rất có thể nay mai tôi sẽ lại trở thành khách hàng gửi tiết kiệm ở ngân hàng Agribank thay vì vay vốn. Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước mắt tôi vẫn rất cần sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng Agribank để mở rộng sản xuất”, anh Lập chia sẻ.