Dân Việt

Thảm sát Mỹ Lai (Kỳ 2): Những câu chuyện hậu thảm sát Mỹ Lai

Vũ Tiến Đức 26/12/2018 14:31 GMT+7
Năm tháng qua đi, vết thương của người dân Mỹ Lai cũng đã lành song nỗi ám ảnh thì còn theo mãi những cựu binh Mỹ từng gây ra vụ thảm sát.

Phiên tòa trò hề và cuộc đời kẻ hung thần

Sau khi sự việc vỡ lở trên báo chí, sức ép dư luận trong nước ngày càng mạnh mẽ khiến giới chức Mỹ không thể phớt lờ được nữa. Trung úy Calley, trung đội trưởng trung đội 1 của đại đội C, người đã hăng hái nhất trong việc tàn sát dân thường ở Mỹ Lai bị truy tố cùng với hơn 10 viên chỉ huy khác trong sư đoàn 23 (đơn vị quản lý lực lượng đã tiến vào tàn sát ở Mỹ Lai). Tuy nhiên, những người khác chỉ bị truy tố về các tội dính líu và sau đó họ được gỡ tội bằng nhiều cách khác nhau. Chỉ mình Calley trở thành vật tế thần mà thôi.

img

 Trung úy Calley – người đã trực tiếp tàn sát và ra lệnh hạ sát nhiều thường dân ở Mỹ Lai. Ảnh: Wikipedia.

Phiên tòa quân sự xét xử Calley bắt đầu mở vào ngày 12.11.1970 và đến tận 31.3.1971 mới kết thúc. Nó trở thành phiên tòa kéo dài nhất và cũng gây xôn xao dư luận nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Theo cuốn Nhìn lại Sơn Mỹ, trong hơn 3 tháng ấy, 109 quân nhân thuộc sư đoàn 23 còn tại ngũ hoặc đã xuất ngũ từ 31 bang của nước Mỹ lần lượt được gọi ra khai hoặc làm chứng trước tòa về những tội ác ở Mỹ Lai ngày 16.3.1968. Hiển nhiên là các bị cáo này đều tìm cách giảm nhẹ trách nhiệm của mình, bao che hoặc đổ lỗi cho nhau nhưng tất cả đều thú nhận sự thật là đã nghe thấy hoặc trực tiếp nhúng tay vào việc tàn sát một cách không phân biệt hàng trăm thường dân ở Mỹ Lai 4 (tức xóm Thuận Yên, thôn Tư Cung) mà hầu hết là người già, phụ nữ, trẻ con và trẻ sơ sinh không hề mang vũ khí và không có hành động chống trả bằng vũ lực.

Cùng đường chối cãi, Calley đã phải thú nhận một phần tội lỗi: “Đã trực tiếp bắn và hạ lệnh cho binh sĩ bắn vào nhóm dân làng đã bị chúng lùa đến con mương cuối xóm Thuận Yên”. Trong nỗ lực nhằm giảm nhẹ tội cho thân chủ, các luật sư bào chữa cho Calley đã tập trung biện hộ rằng, Calley chỉ hành động theo lệnh của cấp trên.

Tuy nhiên, bọn cấp trên của y chẳng dại gì mà xác nhận đã ra lệnh cho y. Sau 15 ngày nghị án, tòa án quân sự Fort Benning tuyên đọc cáo trạng đã giảm nhẹ khá nhiều tội lỗi. Calley chỉ còn bị cáo buộc “giết có chủ ý ít nhất 1 người Việt Nam trên đường làng. Ít nhất 20 người trong cái mương và 1 người mặc áo nhà sư. Tấn công với ý định giết chết 1 đứa trẻ chạy trốn khỏi cái mương”.

Ngày 31.3.1971, tòa án tuyên phạt Calley tù chung thân, đuổi khỏi quân đội và tước bỏ các khoản lương cùng với phụ cấp. Tuy nhiên, như một trò hề diễn cho người dân Mỹ xem, chỉ mới ngồi tù một ngày, Calley đã được tổng thống Nixon ra lệnh phóng thích và cho về giam lỏng tại nhà. Ban đầu, nhà của Calley được bố trí ba quân cảnh đứng canh nhưng rồi dần dần người ta đã bỏ các thủ tục gác xách này. Tiến thêm bước nữa, chính quyền Mỹ giảm án cho Calley xuống 10 năm tù. Vào ngày 11.9.1975, người phát ngôn quân đội Mỹ tuyên bố rằng “Quân đội Mỹ cho rằng về phương diện pháp lý, việc Calley trở lại nhà tù sẽ chẳng mang lại lợi ích gì hết”.

Năm 1988, khi biên soạn cuốn Nhìn lại Sơn Mỹ, tác giả cho biết, năm 1976, Calley kết hôn với con gái một chủ tiệm kim hoàn ở Columbus và khi cha vợ chết, Calley được thừa kế gia sản trở thành một thương nhân có tiếng ở đây. Cuốn sách cũng cho biết thêm, đến thời điểm đó, Calley vẫn chưa một lần tỏ ý sám hối về những tội lỗi của mình. Tuy nhiên, theo Wikipedia, vào năm 2009, khi nói chuyện với câu lạc bộ Kiwanis ở Columbus, lần đầu tiên Calley bày tỏ sự hối hận của mình: “Không một ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy hối hận vì những gì đã xảy ra ngày hôm đó tại Mỹ Lai. Tôi cảm thấy hối hận cho những người Việt Nam đã bị giết, cho gia đình, những lính Mỹ liên quan và gia đình họ. Tôi rất xin lỗi…”.

Người sống sót

Trong cuộc tàn sát ở Mỹ Lai, một số dân thường đã may mắn sống sót. Họ đã trở thành những nhân chứng sống để tố cáo tội ác của quân Mỹ. Sách Nhìn lại Sơn Mỹ dẫn lời kể của một số người sống sót. Trong đó có chị Đỗ Thị Tuyết, năm xảy ra vụ tàn sát mới 16 tuổi. Chị kể: “Không một tấc sắt trong tay, không nơi ẩn nấp, em và bà con cô bác chỉ còn biết bấu víu vào nhau nhảy xuống lòng mương. Có những người chưa kịp nhảy xuống đã trúng đạn té nhào…”. Chị Tuyết sau khi ngã xuống mương thì núp được vào một hốc nhỏ cạnh một gốc ổi cạnh bờ mương, sau lại được các xác chết đồng bào đè lên nên lính Mỹ không biết, nhờ thế mới còn sống sót.

Bên cạnh đó, còn có một trường hợp đặc biệt. Đó là nhân vật trong bức ảnh hai anh em ôm lấy nhau bên bờ ruộng. Khi bức ảnh này công bố trên tạp chí Life, nó được chú thích rằng “Khi hai đứa bị bắn, đứa lớn nằm đè lên đứa nhỏ như để bảo vệ em nó. Nhưng lính Mỹ đã kết liễu cuộc đời cả hai”. Bức ảnh này đã gây xúc động mạnh cho công chúng và tác động vào lương tri của họ khiến họ phẫn nộ với hành động khát máu của lính Mỹ.

img

 Bức ảnh 2 em bé gây xúc động dư luận Mỹ. Ảnh: Giáo Dục Việt Nam.

Trong bảo tàng chứng tích ở Sơn Mỹ trước đây, bức ảnh này được chú thích là: anh em Trương Bốn, Trương Năm. Tuy nhiên, sau đó ông Trần Văn Đức, Việt kiều sống ở Đức đã về nước và đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh hai đứa trẻ cho bức ảnh chính là ông và em gái ông. Theo bài “Ronald Haeberle và cuộc tranh cãi về bức ảnh Mỹ Lai” đăng trên báo Tiền Phong ngày 30.10.2011 thì năm 2010, Sở VHTTDL Quảng Ngãi đã chỉ đạo Bảo tàng Sơn Mỹ bỏ chú thích Trương Bốn, Trương Năm nhưng vẫn chưa công nhận ông Đức và em gái là nhân vật trong bức ảnh.

Cũng theo bài báo, ngày 22.10.2011, ông Trần Văn Đức đã cùng ông Ronald Haeberle bay về Việt Nam để tổ chức đối chất nhằm công bố sự thật. Ông Đức cùng ông Haeberle đã cùng nhau “đi lại” quãng đường của mấy chục năm trước và diễn lại cảnh xưa.

img

 Ông Trần Văn Đức cùng em gái đang diễn lại cho nhà nhiếp ảnh Ronald Haeberle chụp. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Sau lần gặp gỡ này, tác giả bức ảnh rất tin rằng, ông Đức là nhân vật trong ảnh. Trả lời phỏng vấn của phóng viên các báo đi cùng, ông Ronald Haeberle nói: “Căn cứ theo lời kể của Đức rằng khi đó nhìn thấy trên đầu có một chiếc trực thăng hàm cá mập bay qua. Ngay thời điểm đó, tôi cũng bay đến từ một chiếc trực thăng khác và chính tôi cũng thấy một chiếc trực thăng hàm cá mập như Đức mô tả. Đó là chìa khóa quan trọng để tôi cho rằng, cậu bé tôi chụp trong bức ảnh chính là Đức. Qua cuộc trở lại này, đối chứng lại khoảng cách và các tình tiết khác tại thực địa, theo lô gíc và trình tự thời gian, tôi càng tin Đức chính là người trong ảnh”.

img

 Ông Trần Văn Đức và Haeberle tại khu chứng tích Sơn Mỹ 2011. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Cũng trong dịp này, ông Haeberle đính chính rằng cái chú thích: “Khi hai đứa bị bắn, đứa lớn nằm đè lên đứa nhỏ như để bảo vệ em nó. Nhưng lính Mỹ đã kết liễu cuộc đời cả hai” xuất hiện trên tạp chí Life không phải ông viết mà là của tòa soạn, và khi ông chụp ảnh thì hai đứa trẻ vẫn sống còn sau đó, lính Mỹ có giết chúng không thì ông không biết được.

Vụ thảm sát đã lùi vào dĩ vãng nhưng mỗi khi nghĩ lại, người ta vẫn phải rùng mình, rợn tóc gáy. Qua thời gian, vết thương của người dân Quảng Ngãi đã nguôi dần nhưng nỗi ám ảnh thì còn theo các cựu binh Mỹ đến cuối đời. Bản án của nước Mỹ biến thành một trò hề khi chẳng ai bị làm sao nhưng bản án của lương tri thì không ai tránh được.