Dựa trên mối quan hệ gắn kết về địa lý, lượng người Việt đổ sang Campuchia làm ăn, sinh sống là không ít. Nhiều trong số đó đã thay tên đổi họ, chọn lại quốc tịch và mặc nhiên trở thành công dân hợp pháp của đất bạn. Trường hợp của anh em Keo Sokpheng là ví dụ.
Nhưng nào chỉ có vậy. Mới đây, một số độc giả còn phát hiện ra rằng, đội U17 Campuchia cũng vài trường hợp có thể rơi vào dạng tương tự. Như thủ môn Hul Kimhuy hay trung vệ Phon Tayninh - những người Campuchia nhưng lại sở hữu cái tên đậm chất Việt.
Không thiếu cầu thủ Việt sang Campuchia lập nghiệp nhưng để lại tiếng vang lớn thì chỉ có Diệp Hoài Xuân (hàng trên, bìa phải).
Mối liên hệ gần gũi giữa Việt Nam và Campuchia
Hul Kim Huy là người nhện sinh năm 2000. Anh bắt đầu tập trẻ từ năm 13 tuổi tại học viện do LĐBĐ Campuchia tổ chức. Mùa giải vừa rồi, thủ thành cao 1m83 về đầu quân cho Boeung Ket Angkor, đánh dấu ngày bước chân vào con đường bóng đá chuyên nghiệp.
Chúng tôi đã thử liên hệ với Kim Huy để tìm hiểu và nhận được xác nhận: “Tôi không phải người Việt và cũng không có cha mẹ đến từ đây. Nhưng gia đình tôi sống ở tỉnh thành giáp biên giới các bạn. Tôi nghĩ cha mình thích cái tên Kim Huy và đã đặt nó cho tôi”.
Dù không phải người Việt song Kim Huy thừa nhận giải VĐQG nước mình có rất nhiều cầu thủ đến từ quốc gia láng giềng. “Tôi không biết tất cả. Nhưng đúng là ở đây, chúng tôi có nhiều cầu thủ gốc Việt. Một số được biết đến như anh em Keo Sokpheng, Keo Sokngon.
Hay như đồng đội của tôi ở đội U17 Campuchia, trung vệ Phon Tay Ninh. Tôi nghĩ anh ta cũng đến từ Việt Nam. Phon nói tiếng Việt rất tốt”. Theo Kim Huy, những trường hợp như vậy xuất hiện phổ biến ở Campuchia. Và người ta không xem đó là một hiện tượng lạ.
“Nhiều cầu thủ Campuchia có gốc gác Việt Nam. Một vài trong số đó sinh ra ở đây nhưng có cha hoặc mẹ là người Việt. Nhưng cũng có trường hợp, những cầu thủ chuyên nghiệp từ Việt Nam sang Campuchia chơi bóng và nhập tịch để thi đấu như nội binh”.
Trào lưu sử dụng “ngoại binh” đến từ Việt Nam
Điều kiện đào tạo trẻ hạn chế khiến giải VĐQG Campuchia rất “khan” người. Để tìm được lực lượng đủ tốt, nhiều CLB sẵn lòng chiêu mộ và nhập tịch cho cầu thủ Việt. Thông thường, đó sẽ là những người đến từ các đội bóng miền Tây Nam Bộ của nước láng giềng.
Trào lưu kể trên bắt đầu từ khoảng những năm 2010 với việc HLV Lưu Quốc Tân sang Campuchia nhận việc ở CLB Ta Keo và tiếp đó là Kirivong Sok Sen Che. Đến nước bạn, nhà cầm quân người An Giang không quên mang theo một số cầu thủ đồng hương.
Mùa giải 2015, trong đội hình CLB Kirivong Sok Sen Che có năm cầu thủ người Việt. Nhưng tất cả đều xuất hiện với cái tên bản xứ. Trong số này, tiêu biểu và nổi danh nhất có lẽ là trường hợp của Diệp Hoài Xuân, một cầu thủ người Khmer đến từ Cà Mau.
Với năng lực trội hơn dàn cầu thủ sẵn có, Hoài Xuân nhanh chóng trở thành vị trí quan trọng ở hàng thủ. Màn thể hiện tích cực của trung vệ cao 1m84 giúp đội nhà trụ hạng thành công cuối mùa. Còn bản thân anh được nhiều CLB V.League gọi về nước thi đấu.
Cựu tiền đạo Đồng Tháp tiết lộ: “Nếu tôi nhớ không lầm thì có khoảng 10 cầu thủ Việt Nam thi đấu ở Campuchia giai đoạn 2015. Có người thì đổi tên theo dân bản xứ, nhưng cũng có người chỉ thay họ và giữ tên Việt Nam (ví dụ như Phon Tây Ninh – PV)”.
Theo Hoài Xuân, thu nhập khi chơi bóng ở xứ Angkor không mấy đáng kể. Nhưng chuyến đi đã mang lại cho anh những trải nghiệm ý nghĩa và thú vị.
Chia sẻ với GOAL, anh bày tỏ: “Cũng tuỳ theo đội nhưng ở đó đá thắng không có tiền thưởng, tiền lương thì chỉ ngang ngửa giải hạng Nhất Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ cầu thủ mình sang đó cũng hay, có thể tích luỹ nhiều kinh nghiệm quý cho bản thân”.
Năm 2016, Hoài Xuân từng được LĐBĐ Campuchia mời tham dự đội tuyển nước này. Tuy nhiên khi đó anh lại đang ở Việt Nam nên không thể bay sang tập trung. Cầu thủ 26 tuổi khẳng định, anh chắc chắn sẽ nhận lời nếu cơ hội này xuất hiện thêm một lần nữa.
Những cầu thủ Việt Nam nào từng sang Campuchia?
Danh tính những cầu thủ Việt Nam từng thử sức ở đất bạn quả không dễ tìm. Bởi như đã nói, phần lớn đều thi đấu với cái tên hoàn toàn mới như người địa phương. Và hơn thế, bản thân người Campuchia cũng không xem đây là vấn đề nổi bật, cần được lưu ý.
Chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm qua nhiều “ngõ” thông tin khác nhau. Từ giới cầu thủ, báo chí Campuchia cho đến mạng Internet, nhưng sau cùng cũng chỉ lần ra vài cái tên đơn lẻ. Như trường hợp của Lê Chí Thanh, Phạm Trịnh Trọng và Lê Hoàng Duy. Bộ ba cầu thủ gốc An Giang từng khoác áo Prek Pra Keila năm 2010.
Đến năm 2012, Hoàng Duy lại có thêm lần thử sức lần hai. Nhưng “kịch bản” của hai chuyến đi thì đều giống nhau khi họ phải thi đấu trong điều kiện nghèo nàn, tình trạng nợ lương cùng cách quản lý thiếu chuyên nghiệp (giữ giấy tờ tuỳ thân cầu thủ để “giam lỏng”). Bản thân Hoàng Duy vì quá bức xúc mà chia tay CLB Ta Keo chỉ sau 2 tháng gắn bó.
Người Việt Nam gần nhất chinh chiến ở Campuchia chính là Phan Trường Chinh. Người gác đền U40 khoác áo Kirivong Sok Sen Che năm 2017. Sau khi đội này xuống hạng, anh trở lại Đồng Tháp dự giải hạng Nhất, và đồng thời kiêm nhiệm thêm vị trí HLV thủ môn.