Dân Việt

Thăm con qua mạng

14/02/2013 10:28 GMT+7
(Dân Việt) - Rất nhiều gia đình từ thành thị đến nông thôn đều có người đi học, đi làm xa tít tận bên kia bán cầu. Và "công cụ" tình cảm lại chính là những cái máy tính, điện thoại…

Internet nối dài thương nhớ

Buổi chiều của bà Nguyễn Thị Mến (xã Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam) bao giờ cũng bắt đầu bằng việc mở máy tính, lên mạng để trông cháu. Con gái bà là Trần Ngọc Mai đang cùng chồng con du học ở Thượng Hải (Trung Quốc). Cháu vừa sinh chưa đầy tháng đã đi "du học" nên ông bà vừa thương vừa nhớ. Vì thế, con gái đã mua cho bà máy tính, nối mạng để hàng ngày ông bà có thể gọi cháu qua webcam, nhìn cháu lẫm chẫm nghịch ngợm. Thi thoảng, nghe ông bà gọi, cô cháu gái lại cười ngây thơ, nhe mấy cái răng chuột vừa mọc. "Tuy không được ôm cháu nhưng nghe cháu bi bô, nhìn cháu cười cũng thấy gần gũi hơn" - bà Mến cho biết.

img
Ông Mai đang lên mạng chat với các con.

Tại xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) là nơi có số chị em lấy chồng nước ngoài nhiều nhất nhì cả nước thì cảnh "thăm con qua mạng" càng phổ biến. Toàn xã hiện có tới hơn 3.000… Việt kiều là chị em lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan. Trong đó có năm có tới 500 chị em xuất ngoại. Chị Nguyễn Thị Ngọt - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, con cái đi lấy chồng xa, trong xã hầu như nhà nào cũng có điện thoại bàn, rất dễ liên lạc, nhưng cái không thuận lợi là không nhìn được mặt con. Bởi vậy nhiều gia đình đã sắm máy tính nối mạng.

Tuy nhiên, điều này là khá… phức tạp bởi để sử dụng được thì phải có email, nick trò chuyện (chat) nhưng hầu hết các ông bố bà mẹ ở tuổi 40, 50 đều không có, không biết nên phải nhờ người dạy giúp. Khi sử dụng được rồi, những nông dân quen chân lấm tay bùn ấy vui lắm, thậm chí ngồi hàng giờ trò chuyện với con gái không thôi.

img
Ông bà Mai và 3 cháu chụp ảnh trước khi sang Úc.

Nhà chị Nguyễn Thị Dung (45 tuổi, ở xã Lập Lễ) mới sắm được cái máy tính bàn nối mạng để tết được nhìn thấy đứa cháu gái mới sinh của con gái chị. Chị Dung háo hức lắm. Chị sang nhà đứa cháu họ để nó dạy chị cách bật, mở máy tính, để học cách tạo nick thế nào… Bao nhiêu thứ phải học, chị Dung thấy khó quá nhưng cứ nghĩ tết này được nói chuyện với con trong đêm giao thừa chị càng quyết tâm học cho đến nơi đến chốn. Chồng chị Dung cũng háo hức không kém, từ nhỏ đến giờ mới biết thế nào là trò chuyện qua mạng và hể hả đi khoe với hàng xóm sắp được sum vầy với con gái cùng cháu ngoại qua mạng vào tết này. Dường như càng nghĩ đến đêm giao thừa được hỏi thăm tình hình ăn tết của con, vợ chồng chị Dung lại càng thấy vui và vơi bớt đi phần nào nỗi nhớ thương.

“Các dịch vụ thư, quà tặng điện tử, blog gia đình, Facebook cũng có thể giúp bộc lộ cảm xúc, chia sẻ tâm tư khiến mọi người hiểu nhau hơn. Chỉ có điều, Internet có thể giúp người ta nhìn thấy nhau nhưng nếu không có tình cảm chân thành thì cũng khó rút lại khoảng cách. Vì thế, quan trọng là trái tim hướng về nhau”.

Còn chị Hoàng Thị Điều ở xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên có em gái đang đi lao động ở Malaysia, tết năm nào chị cũng vào mạng chúc tết em gái mình. Chị vốn là giáo viên cấp 1 nên việc sử dụng mail không có gì là ngại. Tết năm ngoái vừa giao thừa xong, chị vào mạng chúc tết em. Em gái chị kể công việc làm công nhân lắp ráp điện tử tuy hơi vất vả nhưng thu nhập tháng được hơn 20 triệu đồng và cố gắng tích cóp hai năm nữa sẽ về nước. Tết năm nay, chị Điều đã hẹn em gái sau giao thừa hai chị em sẽ chúc tết và kể cho nhau nghe tết này có gì mới ở hai nơi.

Anh Nguyễn Văn Mạnh- nông dân ở Kiến Thụy thì có 3 người bạn thân theo những chuyến tàu hàng xa nhà vào tết này. Vì vậy, những cuộc nhậu đầu năm của anh sẽ được thay thế bằng những cuộc hỏi thăm chúc tết qua mạng. Anh mừng khi thấy bạn bè làm ăn được. Và anh gửi những lời chúc tốt đẹp nhất cho mọi người có những chuyến tàu bình an. Với anh và nhiều nông dân khác, Internet đã phần nào kéo gần sự sum họp ấm cúng giữa những người thân với nhau dù họ ở hai chân trời xa lắc.

Khoảng cách đánh thức trái tim

Ông Nguyễn Như Mai (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) là một nhân vật khá quen thuộc trong giới học trò 20 năm trước. Ông là người thầy, người cha đỡ đầu của rất nhiều cây viết trẻ hiện tại khi còn đang làm ở Báo Hoa Học Trò. Bây giờ, tóc đã bạc, ông ở nhà nhưng không ở ẩn. Ông bảo ông có Internet làm chân, làm mắt để thu cả thế giới về bên bàn làm việc của ông.

Con trai cả của ông Mai hiện đang làm tiến sĩ bên Úc, kéo theo cả vợ và 3 con. Nhưng không vì thế mà tình nghĩa ông bà - con cháu lại xa cách. Ông Mai bảo ông có nhiều công cụ để luôn gần gũi con cháu. Qua Facebook, qua email, qua chát, ông thường xuyên trò chuyện với con cháu để biết chúng nghĩ gì, làm gì.

Ông vừa lên mạng, vào Facebook thì cu Cò mới 10 tuổi đã nhấp nháy màn hình chào ông. Mấy ngày tới là sinh nhật ông nên cu cậu gửi lời chúc và hẹn tặng quà. "Mỗi ngày mở mạng ra, các cháu con đều nhí nháu hỏi thăm, ngoài ra còn gọi điện nghe giọng nói, dùng webcam để nhìn nhau. Các cháu thỉnh thoảng còn quay video tải lên mạng để ông bà có thể xem được cảnh cả gia đình sinh hoạt bên Úc. Vì thế, xa tít nửa vòng trái đất nhưng tôi luôn như thấy được con cháu bên mình" - ông Mai cho biết.

“Những lời yêu thương, đánh động trái tim những người thân yêu nhờ các công cụ chat, mail, nhắn tin cũng dễ dàng chia sẻ hơn. Nhờ đó, trái tim lại luôn được hâm nóng, tình cảm cũng được duy trì khăng khít hơn, vượt qua khoảng cách địa lý”.

"Người bạn tri kỷ" của ông Mai hiện nay chính là cô cháu gái lớn. Cô "Trăng" năm nay 17 tuổi, vừa được nhận giải thưởng của Chính phủ Úc vì thành tích học tập xuất sắc nhất đứng trên 99,55% học sinh của Tây Úc. Từ những cuộc trò chuyện giữa 2 ông cháu qua mạng, một cuốn sách đã ra đời với tên gọi "Chuyện đi học ở xứ Kanguru". Tác phẩm đã được nhiều bạn đọc ở Việt Nam đón nhận. Nhưng đối với ông Mai, đây không chỉ là tác phẩm văn học mà còn là dấu ấn ghi lại tình bạn giữa hai ông cháu.

"Nếu như các cháu đang ở nhà, có thể chưa chắc đã có được những cuộc nói chuyện thú vị và sâu sắc đến vậy. Ông và cháu sẽ "cậy" đang ở gần mà bớt chia sẻ chi tiết về cuộc sống và tâm tư của mình. Còn khi ở xa, nỗi nhớ quê hương khiến các cháu quan tâm đến ông bà nhiều hơn. Chính vì thế, xa về khoảng cách mà lại gần về tình cảm"- ông Mai chia sẻ.