Dân Việt

Dân giấu, ngành chức năng vào cuộc chậm, dịch lở mồm long móng lây lan

Khánh Nguyên (TH) 25/12/2018 13:00 GMT+7
Qua vụ việc dịch lở mồm long móng (LMLM) lây lan trên địa bàn xã Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) cả tháng lực lượng thú y mới nắm được cho thấy, người dân chưa chủ động phối hợp với địa phương, ngành chức năng trong việc phòng chống dịch, trong khi lực lượng chức năng còn bị động, vào cuộc chưa kịp thời.

Dân giấu dịch

Chỉ khi báo chí phản ánh về tình hình lợn chết, vứt bừa bãi xuống kênh mương, cả Sở NNPTNT TP.Hà Nội và Cục Thú y (Bộ NNPTNT) mới nắm được tình hình, trong khi lực lượng thú y huyện Ba Vì, nơi có hàng trăm con lợn đang mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM) vẫn khẳng định, chỉ có vài con mắc, các ổ dịch cơ bản được khống chế. Sự vào cuộc có phần chậm trễ và bị động của ngành chức năng khiến dịch sẽ khó lường hơn khi đã có những con lợn bệnh bị người dân ném ra ven đường, bãi rác.

Ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y cũng thừa nhận, chỉ nắm được sự việc sau khi báo chí phản ánh, nguyên nhân của tình trạng này là do địa phương... cố tình giấu. "Địa phương đang giấu chúng tôi, họ không báo về! Chúng tôi chỉ biết thông tin ngay khi báo chí đưa tin và ngay sau đó đã thành lập đoàn kiểm tra. Chúng tôi đã lập tức đưa thông tin về dịch bệnh lên mạng, đồng thời gửi văn bản trình Bộ trưởng và ngay sau đó Bộ trưởng đã có chỉ thị về công tác ứng phó, đảm bảo an toàn dịch bệnh chung trên động vật", ông Phạm Văn Đông cho biết.

img

Lợn bị bệnh lở mồm long móng bị người dân Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) vứt ra đường. Ảnh: LĐ.

Cũng theo ông Phạm Văn Đông, lực lượng của Cục Thú y rất mỏng, chịu trách nhiệm chỉ đạo chung chứ không thể đi đến từng hộ chăn nuôi để nắm tình hình dịch bệnh. Việc này là của Chi cục Thú y Hà Nội và Phòng Chăn nuôi thú y địa phương. Mọi công tác phòng dịch, tiêm phòng, khử độc tiêu trùng, hướng dẫn người chăn nuôi cách chăm sóc, đề phòng dịch bệnh, khoanh vùng dịch bệnh… địa phương phải thực hiện nghiêm túc theo quy định.

"Công tác báo cáo thực hiện theo chuỗi, quan điểm của chúng tôi là không giấu giếm. Ngay sau đó chúng tôi có văn bản yêu cầu Sở NNPTNT Hà Nội chỉ đạo Chi cục thú y khẩn trương thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh báo cáo về Cục Thú y" - ông Đông nói.

Ngày 14.12.2018, Cục Thú y cũng đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ NNPTNT ban hành Chỉ thị số 9747/CT-BNN-TY về việc tập trung chỉ đạo quyết liệt công tácphòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân; trong đó có nội dung đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt các Sở, ban ngành, chính quyền các cấp khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng.

Lợn bị lở mồm long móng bắt buộc phải tiêu hủy

Trước phản ánh của người dân  Ba Vì về việc, cơ quan thú y tiêu hủy cả đàn lợn, trong đó có những con mắc bệnh LMLM nhưng được người dân tự điều trị và đang có dấu hiệu hồi phục, ông Phạm Văn Đông cho biết, nguyên nhân dịch LMLM dây dưa kéo dài cả tháng qua là do các hộ chăn nuôi không báo cán bộ thú y về tình trạng nhiễm bệnh của lợn.

“Người dân đã giấu bệnh và âm thầm tự điều trị. Tuy nhiên, bệnh LMLM là do virus, nên không thể khỏi. Khi được điều trị, hiện tượng bệnh nhìn cảm quan có giảm, nhưng thực chất virus trong con lợn vẫn rất nhiều và đào thải mạnh mẽ ra ngoài, có nguy cơ lây rộng sang những đàn lợn khác, ở những khu vực khác.”-ông Phạm Văn Đông nhấn mạnh.

Một cán bộ khác của Cục Thú y cũng cho biết, để khống chế được dịch bệnh LMLM đang hoành hành ở một số địa phương tại Ba Vì, ngoài vấn đề tiêu độc, khử trùng, cách ly vùng dịch, thì tuyệt đối phải tiêu hủy hết đàn lợn bị bệnh, bởi virus gây dịch LMLM có có tốc độ lây lan rất kinh khủng.

Khi một địa phương đã công bố dịch, là phải thực hiện theo quy định của Luật Thú y Việt Nam cũng như quy định thú y thế giới. Do đó, mặc dù có những con lợn đã được người dân tự điều trị và bệnh đang có xu hướng tốt lên vẫn phải tiêu hủy để không lây sang những vùng khác.

Điều người dân băn khoăn là mức hỗ trợ kinh phí tiêu hủy chỉ 38.000 đồng/kg, thấp hơn so với giá thịt lợn hơi bán trên thị trường, đại diện Cục Thú y cho biết: Tính toán mọi chi phí, giá thành chăn nuôi lợn hiện nay khoảng 38.000đ-40.000 đồng/kg, như vậy người chăn nuôi hòa vốn. Còn về giá thịt lợn móc hàm bán trên thị trường lên đến 50.000-55.000 đồng/kg, là do thương lái đẩy giá lên cao. Hỗ trợ với mức 38.000 đồng/kg, người chăn nuôi không bị lỗ bởi giá thành chăn nuôi lợn hiện nay tối đa chỉ khoảng 40.000 đồng/kg. 

Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 24.12, cả nước có 05 ổ dịch LMLM tại 05 xã (Phú Phương, Cẩm Lĩnh và Vật Lại đã 15 ngày qua không phát sinh ổ dịch mới; xã Tản Lĩnh) thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội; phường Vân Dương thuộc thành phố Bắc Ninh của tỉnh Bắc Ninh (đã 14 ngày không phát sinh ổ dịch mới).

Tuy vậy, theo Cục Thú y, nguy cơ phát sinh các ổ dịch trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ là rất cao.

Các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch; đồng thời căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút LMLM và khuyến cáo sử dụng vắc xin năm 2018 để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Theo điểm b Mục 5 Phụ lục 10 Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31.5.2018 của Bộ NNPTNT, bệnh LMLM phải được phòng bệnh bắt buộc bằng tiêm vắcxin. Đối với lợn mắc bệnh LMLM, bắt buộc phải tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh trong ổ dịch với triệu chứng lâm sàng điển hình để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch, cách ly lợn khỏe mạnh trong cùng đàn với lợn mắc bệnh để theo dõi.

Đối với vùng dịch bệnh đã được công nhận an toàn dịch bệnh LMLM, thực hiện tiêu hủy hay giết mổ bắt buộc gia súc mắc bệnh LMLM và xử lý ổ dịch theo quy định. Việc xử lý gia súc mắc bệnh phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh LMLM hoặc được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, xác minh và kết luận gia súc bị LMLM.