Lễ hội Văn hoá - du lịch Nghề làm bánh tráng Trảng Bàng ở Tây Ninh vừa bế mạc hôm qua. Theo Ban tổ chức, Lễ hội đã thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mua sắm những ngày vừa qua.
Hàng ngàn lượt khách đã đến lễ hội bánh tráng tham quan, mua sắm những ngày vừa qua.
Rất nhiều du khách, bạn trẻ thích thú trải nghiệm làm thử bánh tráng phơi sương. Song nhiều bạn cũng thừa nhận tráng bánh phơi sương không phải là một nghề nhàn hạ. Ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết, làng nghề bánh tráng là làng nghề thủ công, để tạo ra sản phẩm phải tốn nhiều công sức.
Nhiều bạn trẻ hào hứng khi được trải nghiệm ngay tại chỗ các công đoạn làm bánh. Ảnh: Nguyên Vỹ
Việc tráng bánh hoàn toàn bằng thủ công nên cũng tốn lao động, ít nhất phải có 2 người cùng tham gia vào các công đoạn. Tuy nhiên thu nhập lại không cao, bình quân khoảng 300.000 – 400.000 đồng/ngày/hộ.
Nghề bánh tráng phơi sương còn mang đặc thù kinh tế hộ gia đình, chưa hình thành được các làng nghề tập trung, còn nằm rải rác trong khu dân cư, thôn ấp. Điều này cũng dẫn đến khó khăn trong việc gắn kết, quảng bá và phát triển du lịch gắn với làng nghề.
Tráng bánh phơi sương không phải là một nghề nhàn hạ. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Nam cho biết định hướng sắp tới, tỉnh xác định sẽ đầu tư và kêu gọi phát triển làng nghề bánh tráng Trảng Bàng gắn với phát triển du lịch cộng đồng để từ đó tạo nên giá trị gia tăng.
“Nếu gắn kết được với du lịch cộng đồng thì thu nhập từng hộ mỗi ngày cũng sẽ tăng cao hơn. Đây cũng là giải pháp để gìn giữ và phát huy hiệu quả nghề truyền thống”, ông Nam nói.
Duy trì nghề truyền thống cho lớp người trẻ. Ảnh: Nguyên Vỹ
Được biết, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với huyện Trảng Bàng thực hiện việc quy hoạch và đẩy mạnh mời gọi đầu tư để hỗ trợ phát triển, tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
* Clip có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp