Dân Việt

Tim còn đập nghĩa là còn thắp lửa

11/02/2013 08:38 GMT+7
(Dân Việt) - Chị tham gia và truyền lửa cho rất nhiều chương trình, tìm lại nguồn sống và nghị lực cho hàng ngàn người đang tuyệt vọng cùng quẫn của bạo bệnh. Nhưng giờ đây, chính chị lại phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo.

Chị là Nguyễn Thị Khánh Thương (SN 1982) - giảng viên khoa Báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội- Nhân văn (KHXHNV), một trong 10 gương mặt thủ đô tiêu biểu vừa được Thành đoàn Hà Nội vinh danh.

img
 

Câu hỏi ngày khai trường…

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em ở Hà Tây (cũ), năm 2000 Khánh Thương bước vào giảng đường Trường ĐH KHXHNV với hành trang vỏn vẹn 1 tháng học phí và 1 tháng tiền ăn - số tiền được bố mẹ vay nóng cho Thương nhập học.

Chị còn nhớ như in ngày đầu đón tân sinh viên, giữa hội trường KTX Mễ Trì dưới ánh mắt của hàng nghìn sinh viên, chị đã rụt rè giơ tay để hỏi thầy hiệu trưởng: "Nếu bây giờ em thôi học, nhà trường có trả lại học phí cho em không". Cả hội trường ồ lên cười, chỉ có chị Thương nước mắt lưng tròng.

Đó không phải là câu nói đùa của chị, đó là tất cả sự rối bời của cô sinh viên nghèo khi nghĩ về lời dặn dò của mẹ trước khi lên Hà Nội: "Gia đình mình nghèo quá, còn phải lo cho 3 em ăn học nữa, nếu con quyết định học báo chí mà không chọn sư phạm thì con phải cố gắng tự lo cho cuộc sống và việc học của mình, gia đình không thể trợ cấp cho con hàng tháng".

Gạt nước mắt, Thương đặt ra cho mình mục tiêu, bắt đầu từ học kỳ 2, chị phải được học bổng và tìm được việc làm. "Nếu không làm được hai việc ấy thì chỉ còn nước bỏ học về quê đi cày cho mẹ" - chị Thương cười. Sau một vài lần bị lừa bởi những "công ty ma", cuối cùng Thương cũng tìm được một công việc gia sư ưng ý. Tháng đầu mới dạy, chưa có lương, không có tiền trang trải, chị phải đi bán máu.

"Bọn bạn đã trêu chị rằng, mày vừa là đứa đảo ngũ (vì đã định bỏ học - PV) vừa là đứa hiến máu…vô nhân đạo. Nhưng lúc ấy chị không còn con đường nào khác" - chị cười.

Với cố gắng của mình, kỳ 2 Thương giành được học bổng với điểm phẩy khá cao, chị có công việc gia sư ổn định tự trang trải cuộc sống của bản thân. Bắt đầu năm thứ 2, Thương lao vào công tác tình nguyện như một cái "duyên" mà từ đó chị gắn bó không thể nào dứt ra được.

Đầu tiên là việc dạy học miễn phí cho học sinh khuyết tật của Trường Nguyễn Đình Chiểu, tham gia các nhóm từ thiện quyên góp vì học sinh nghèo, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân nhiễm HIV… Năm 2006, sau khi tốt nghiệp ra trường, Thương đã đứng lên sáng lập là nhóm từ thiện "Vòng tay yêu thương" (Free Hugs Group - FHG). Với nhiều chương trình ý nghĩa xuyên suốt một thời gian dài "Kết nối yêu thương", "Trao cho em ngày mai", "Giao thừa yêu thương", "Công trình Hy vọng" hay "Một giờ làm người khiếm thị"...

Nhóm từ thiện của Khánh Thương đã đem niềm hy vọng vào cuộc sống, thổi bùng ngọn lửa tình yêu thương cho hàng ngàn số phận bất hạnh.

img
Khánh Thương trong các hoạt động từ thiện (ảnh nhân vật cung cấp).

Mặc dù nhận được học bổng sang Australia theo học thạc sĩ, chị luôn bám sát các hoạt động của nhóm FHG tại Việt Nam. Trong khi học tập tại Sydney, Khánh Thương được Hội đồng Ung thư nước này tuyên dương là trưởng nhóm xuất sắc trong các chiến dịch gây quỹ phòng chống, nghiên cứu ung thư như "Daffodilday" (Ngày Hoa thủy tiên vàng) và "Pink Ribbon Day" (Ngày Ruy băng hồng).

"Cơn ác mộng" ngày 20.10

Trở về sau thời gian du học, Khánh Thương vào làm giảng viên tại khoa Báo chí - ĐH KHXHNV. Tháng 10.2012, mọi người đều vui mừng khi thấy chị rạng ngời trong lễ ăn hỏi. Chú rể là người Australia chị quen và yêu khi du học tại đây. Hai người dự định tổ chức đám cưới tại Hội An vào tháng 1.2013. Thế nhưng, sau lễ ăn hỏi một ngày, Thương nhận tin sét đánh - cô bị ung thư vú giai đoạn 3.

Khánh Thương chia sẻ: "Gần 10 năm làm tình nguyện và đã không ít lần khóc trước những số phận bệnh nhân ung thư, HIV… nhưng chưa bao giờ mình nghĩ lại có ngày chính mình trở thành một trong số họ".

Chị vẫn còn nhớ như in ngày 20.10.2012, nhiều phụ nữ hân hoan trong ngày của mình thì Thương lại nhận được kết quả đau đớn: "Cầm kết quả sinh thiết ung thư, mọi thứ dường như sụp đổ trước mắt chị, tất cả như một cơn ác mộng kinh hoàng mà tôi chỉ muốn cấu véo thật đau vào cơ thể để có thể tỉnh dậy".

Đúng 1 tháng sau ngày 20.11, chị phải sang Australia phẫu thuật nhưng căn bệnh ung thư quái ác đã di căn vào xương và không thể nào chữa trị được nữa.

Sự sống đối với Khánh Thương lúc này thật mong manh, gia đình, đồng nghiệp, sinh viên và đặc biệt là người chồng sắp cưới chính là nguồn động lực cho chị. Khánh Thương nói: "4 năm yêu nhau trong xa cách. Những tưởng sau đám cưới cuộc sống hạnh phúc sẽ bắt đầu, nhưng không ngờ đó lại bắt đầu những chuỗi ngày đau khổ".

Biết tin chị bị bệnh, anh khóc nhiều hơn chị. Nước mắt của người đàn ông ngoại quốc chờ đợi người phụ nữ anh yêu suốt 4 năm trong xa cách đã khiến chị không thể huỷ cưới, mặc dù chị không muốn trở thành gánh nặng cho anh. Anh bỏ việc ở Australia sang Việt Nam để tiện chăm sóc chị trong những ngày cuối cùng và giúp đỡ chị hoàn thành những việc còn dang dở…

Chỉ sợ thời gian không đợi…

"Không ai muốn chết. Thậm chí những người muốn được lên thiên đàng cũng không muốn chết chỉ vì được lên đó. Và cái chết là cái đích mà tất cả chúng ta đều phải đến, không ai thoát khỏi nó…" - đó là những lời mà Khánh Thương viết trên trang cá nhân của mình.

Cuối năm 2012, Nguyễn Khánh Thương nhận bằng khen về biên soạn bài giảng điện tử năm 2012 của Trường ĐH KHXHNV, được bình chọn là Gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu năm 2012. Trước đó, Khánh Thương được chọn đại diện cho Việt Nam dự Hội nghị Quốc tế về văn hóa châu Á và châu Âu (năm 2006); tham dự Hội nghị Quốc tế "Thanh niên với các chính sách phát triển quốc gia" (năm 2008).

Chị cho biết, chị đang chạy đua với thời gian để có thể hoàn thành những dự định của mình. Trước mắt, chị đã mua được tên miền cho website mạng lưới ung thư vú Việt Nam với mong muốn, đây sẽ trở thành một trang web cung cấp những kiến thức cần thiết cho những người bị ung thư vú. Trang web ngoài việc cung cấp kiến thức về bệnh, cách phòng bệnh, cách ăn uống, những bài tập bổ ích…còn mong muốn trở thành nơi kết nối những tấm lòng từ thiện dành cho những bệnh nhân ung thư nghèo. Chị nói: "Khi đã có ung thư, bạn không thể chiến đấu một mình được. Người bệnh và người thân rất cần biết họ đang ở đâu trên hành trình ung thư của mình".

Một điều khiến Khánh Thương còn trăn trở là với phụ nữ nông thôn thì trang web này vô dụng. Chính vì vậy, để cung cấp kiến thức cho họ chỉ còn cách phát tờ rơi miễn phí tại các bệnh viện u bướu, đưa về tuyên truyền đến hội phụ nữ từng địa phương… Đó sẽ là cách mà các tình nguyện viên của Khánh Thương sẽ làm.

Nhóm từ thiện "Vòng tay yêu thương" của Khánh Thương cũng đang xúc tiến việc xin tài trợ để mở các xưởng may cho phụ nữ nhiễm HIV trong cả nước… Với chị, niềm ao ước hiện tại đơn giản: "Dự định còn nhiều quá, chỉ sợ rằng thời gian không đợi mình”.