Dân Việt

Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia lĩnh vực Nông nghiệp: Ghi nhận ở biên giới Lạng Sơn

T.Bình 26/12/2018 17:58 GMT+7
Là địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, tuy nhiên, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa bàn Lạng Sơn có nhiều kết quả tích cực, góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK.

img

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII. Ảnh: T.Bình​​​

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn (Cục Thú y) Chu Nguyên Thạch cho biết, thực hiện NSW, Chi cục triển khai 2 thủ tục: Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn xuất khẩu (tháng 12/2016); Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu (tháng 10/2017).

Tỷ lệ đối với thủ tục nhập khẩu thực hiện qua NSW có sự chuyển biến mạnh từ 1,96% giai đoạn đầu- 3 tháng đầu triển khai (tháng 10 đến tháng 12/2017) lên 95,65% trong 10 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, tỷ lệ với giấy phép xuất khẩu chưa cải thiện nhiều. Cụ thể, lượng hồ sơ thực hiện NSW năm 2017 là 7,44% và 10 tháng đầu năm 2018 mới được 24,13%...

“Tỷ lệ hồ sơ xuất khẩu thực hiện NSW còn thấp bởi không ít tờ khai hàng hóa xuất khẩu có nhiều lô hàng của cư dân biên giới nên việc thao tác qua hệ thống điện tử còn gặp khó khăn bởi bà con chưa có chữ ký số, chưa đăng ký mã số thuế để thực hiện giao dịch...”- Chi cục trưởng Chu Nguyên Thạch chia sẻ.

Về khó khăn, vướng mắc, ông Chu Nguyên Thạch cho biết, đơn vị quản lý 12 cửa khẩu quốc tế, quốc gia, cửa khẩu phụ (Ga Đồng Đăng, Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Nà Nưa, Bình Nghi, Na Hình, Bảo Lâm, Co Sâu, Co Sa, Bản Chắt và khu cách ly kiểm dịch nằm dọc biên giới của tỉnh Lạng Sơn), trong đó có nhiều địa bàn biên giới vùng sâu, vùng xa nên trang thiết bị thiếu, đường truyền internet yếu, không ổn định; trình độ một số CBCC và doanh nghiệp còn hạn chế...

Mặt khác, do Hệ thống cấp phép điện tử chưa liên thông với các ngành nên doanh nghiệp vẫn cần giấy chứng nhận (bản in có dấu đỏ) để đi đường hoặc xuất trình cho cơ quan Kiểm dịch cửa khẩu xuất...

Tại Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII (Cục Bảo vệ thực vật), Chi cục trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, thực hiện mở rộng cấp “Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa” thông qua NSW, Chi cục đã tổ chức tập huấn cho các cá nhân, tổ chức liên quan (tháng 3/2017). Từ 15/4/2017, Chi cục và 5 trạm Kiểm dịch thực vật trực thuộc thực hiện thủ tục nêu trên.

Trong năm 2017, trong 21.121 hồ sơ làm thủ tục tại Chi cục có 69,38% thực hiện qua NSW. Từ đầu năm đến trung tuần tháng 11/2018 có 17.702 thủ tục, trong đó có 20,65% hồ sơ thực hiện qua NSW.

Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, sở dĩ lượng hồ sơ thực hiện NSW tại đơn vi giảm do ngày 29/12/2017, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT ban hành Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT, qua đó tích hợp đăng ký kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực phẩm, trong khi đó, phần mềm thực hiện NSW chưa nâng cấp để đáp ứng yêu cầu tích hợp. “Do vậy, trong quá trình chờ nâng cấp hệ thống, những lô hàng vừa thực hiện kiểm dịch thực vật vừa kiểm tra an toàn thực phẩm tiến hành khai báo trực tiếp”- Chi cục trưởng Nguyễn Thị Hà nói.

Liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu, tái xuất khẩu chưa thực hiện được theo kế hoạch (kế hoạch thực hiện ngày 1/1/2018), đại diện Chi cục cho biết, nguyên nhân liên quan đến kinh phí, đồng thời một số lỗi về mặt kỹ thuật đang được đơn vị phát triển phần mềm hoàn thiện. Bên cạnh đó,  thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật quá cảnh cũng chưa triển khai được theo kế hoạch trong năm nay do vấn đề kinh phí.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, ngoài khu vực Lạng Sơn, đơn vị còn thực hiện NSW tại 7 cửa khẩu ở địa bàn Cao Bằng nhưng chưa triển khai được vì không có hàng hóa.

Đáng chú ý, liên quan đến thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII tổ chức tập huấn, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng triển khai khi các quốc gia thành viên hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai.

Đối với hiệu quả, lợi ích triển khai NSW, lãnh đạo Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn và Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII cùng nhận định, NSW giúp giảm thời gian, chi phí cho các cơ quan, tổ chức; tăng tính công khai, minh bạch...

Quá trình tìm hiểu thực tế tại Lạng Sơn, phóng viên ghi nhận trên địa bàn Lạng Sơn, hiện nay đường truyền của các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp vẫn đang sử dụng chung cho cả Cổng thông tin một cửa quốc gia và các hệ thống CNTT nội bộ khác nên việc truyền nhận dữ liệu còn gặp nhiều khăn. “Hiện nay ngành Hải quan đã có đường truyền riêng phục vụ NSW nên việc truyền dữ liệu rất thuận tiện, vì vậy, đề nghị ngành Nông nghiệp cũng đầu tư trang bị đường truyền riêng của Cục Bảo vệ thực vật để thực hiện NSW diễn ra thuận tiện”- Ông Nguyễn Văn Học- Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật Hữu Nghị (Chi cục kiểm dịch thực vật vùng VII) đề xuất.

Trực tiếp được lãnh đạo Bộ NN&PTNT giao dẫn đầu Tổ công tác kiểm tra, rà soát việc thực hiện NSW tại Lạng Sơn ngày 19/11, ông Vương Đức Hinh - Phó Chánh văn phòng Thường trực Cải cách hành chính (Bộ NN và PTNT) cho biết thêm:Triển khai NSW của ngành Nông nghiệp tại Lạng Sơn tập trung vào 2 đơn vị là Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn; Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII.Kết quả triển khai đang bám sát theo kế hoạch của Bộ NN và PTNT. Quá trình làm việc cho thấy, do địa bàn biên giới, vùng sâu vùng xa nên việc ứng dụng CNTT có những khó khăn nhất định, thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa để triển khai mở rộng NSW tại Lạng Sơn một cách hiệu quả, đặc biệt là hệ thống đường truyền internet.Thời gian qua, lãnh đạo Bộ NN và PTNT và các đơn vị cũng rất sốt sắng thực hiện NSW, đặc biệt thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ về kết quả triển khai.Thực hiện mục tiêu của Chính phủ, Bộ NN và PTNT phải triển khai tổng cộng 33 thủ tục. Đến nay thí điểm 9 thủ tục. Hết năm 2018 phấn đấu hoàn thành 10 thủ tục. Và theo kế hoạch, đến năm 2020, Bộ NN và PTNT sẽ hoàn thành kết nối 100% thủ tục vào NSW.

T.Bình (ghi)