Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12). Cũng theo Bộ GDĐT, chương trình mới được xây dựng theo hướng giảm tải so với chương trình hiện hành, lấy học sinh làm trung tâm.
Lộ trình áp dụng chương trình phổ thông mới sẽ được triển khai như sau: năm học 2020-2021 sẽ triển khai đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Ngay sau khi chương trình mới được công bố, một câu hỏi lớn đặt ra là liệu với điều kiện hiện tại về giáo viên và cơ sở vật chất, cả về số lượng lẫn chất lượng trên cả nước, đã đảm bảo được yêu cầu của chương trình mới hay chưa?
Giáo viên là nhân tố quyết định thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trước bài toán chênh lệch về chất lượng giáo viên ở các vùng miền khác nhau, chưa kể giáo viên tại vùng sâu, vùng xa khó có thể ngay lập tức tiếp thu chương trình mới, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GDĐT) nhấn mạnh, việc nâng cao năng lực cho giáo viên để tiếp cận chương trình mới đã được Bộ GDĐT triển khai từ cách đây 5 năm kể từ khi có Nghị quyết 29. Bản thân chương trình phổ thông hiện hành cũng được các giáo viên áp dụng tinh thần đổi mới, sáng tạo để thích ứng với việc thay đổi.
Ông Minh cho biết, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên sẽ được triển khai theo lộ trình cụ thể trong kế hoạch 791 ban hành tháng 9.2018. Bắt đầu từ quý III năm 2019, các giáo viên dạy lớp 1 sẽ được triển khai chương trình này.
"Chúng tôi cũng đã chọn lọc những giáo viên tốt nhất, có khả năng nhất để triển khai chương trình, với lớp 1 là từ năm học 2020-2021. Còn đào tạo, bồi dưỡng qua mạng thì không phải đến bây giờ mới làm mà bộ đã tổ chức trước đó. Với sự hoàn thiện của việc bồi dưỡng qua mạng cùng hệ thống công nghệ thông tin, chúng tôi tin rằng giáo viên sẽ đủ điều kiện để đáp ứng chương trình mới", Cục trưởng Cục Nhà giáo nói.
Ông Minh cũng chia sẻ, đội ngũ giáo viện không hề thiếu bởi số giáo viên cần đáp ứng cho chương trình mới không chênh lệch so với chương trình hiện hành.
Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo - Bộ GDĐT.
Giải đáp cho câu hỏi việc phân bổ giáo viên tại các trường THPT có gặp khó khăn khi nhà trường phải "chạy theo" lựa chọn 5 môn cố định và 5 môn tự chọn của học sinh, dẫn tới tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay: "Luôn luôn có mâu thuẫn giữa mong muốn và hiện thực. Chúng ta mong muốn phân hóa triệt để, cao nhất theo nguyện vọng của học sinh nhưng trên thực tế không phải nước nào cũng làm được tuyệt đối như vậy. Do đó, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng quy định việc nhà trường xây dựng tổ hợp các môn học đáp ứng nguyện vọng của học sinh đồng thời phù hợp với khả năng thực hiện của nhà trường".
Nói thêm về điều này, ông Hoàng Đức Minh cho biết, Bộ GDĐT cũng đã tính tới việc thừa thiếu giáo viên khi áp dụng chương trình mới. Bộ đang rà soát, quy hoạch lại hệ thống sư phạm, đồng thời yêu cầu tỉnh báo cáo lại số lượng giáo viên để có phương án phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung kịp thời.