Atisô là loại cây dược liệu được nhiều người biết đến như sản vật của thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Tại Lâm Đồng, cây Atisô chủ yếu được trồng tại các phường 11, 12 và huyện Lạc Dương. Trong đó Công ty Ladophar liên kết với người dân trồng 10ha và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Tại TP.Đà Lạt Actisô chủ yếu được trồng tại phường 11, 12.
Bà Phạm Thị Xuân Hương – Tổng Giám đốc Công ty Ladophar cho biết: “Hiện tại chúng tôi đã liên kết với UBND huyện Lạc Dương xây dựng vùng trồng dược liệu khoảng 500ha thông qua các tổ hợp tác, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn thực hành tốt trồng cây Atisô cho các hộ dân từ đó tạo được nguồn nguyên liệu bền vững đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”.
Bà Hương cho biết thêm, hiện tại Ladophar đang trồng thử nghiệm giống Atisô mới, được nhập khẩu từ Châu Mỹ với hoạt chất tốt. Dự kiến loại giống này sẽ liên kết với các hộ dân người dân tộc thiểu số để trồng nhằm tạo vùng nguyên liệu sạch cũng như tạo đà cho người dân ổn định và phát triển kinh tế.
Sơ chế lá Atisô bên trong nhà máy Ladophar.
Được biết, Lạc Dương là huyện có khí hậu, độ cao gần như Đà Lạt nên việc trồng loại cây này sẽ phát triển tốt. Bên cạnh đó, việc trồng loại cây này không cần nhà kính, dễ canh tác nên sẽ giảm được chi phí cho người dân khi trồng.
Hiện tại, tại TP. Đà Lạt có trên 100ha trồng cây Atisô. Khi trồng loại cây này người dân cần đầu tư khoảng 30 triệu đồng/1.000m2, trong khi đó có thể bán lá, thân và hoa nên lợi nhuận khá cao từ khoảng 80 – 90 triệu đồng/1.000m2.
Lợi nhuận của người dân khi trồng loại cây Atisô là khá cao, đặc biệt khi liên kết với công ty sẽ ổn định về giá.
Đến nay, Ladophar đã có 4 dòng sản phẩm dược được chế biến từ cây Atisô gồm: LadoAtiso, LadoHerbal, LadoDetox và LadoBoost. Cả 4 dòng sản phẩm này đều rất tốt cho sức khỏe, làm mát và bảo vệ gan, phục hồi chức năng cho người bị ốm…