Làm thơ bên chân ruộng
Cách đây 3 năm, tôi từng gặp nhà thơ Ngô Cang trong dịp ông ra mắt tập tùy bút “Rớ chọng nghiêng chiều”. Nghe giới văn nghệ sĩ ở Huế nói về ông từ lâu, nhưng khi gặp mặt tôi vẫn rất bất ngờ trước tính cách rất nông dân của ông.
Sau 3 năm, tôi tìm về làng nghèo Mỹ Xá (xã Quảng An, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế) gặp ông thì hay tin ông vừa bị tai nạn giao thông và đang phải điều trị phục hồi chức năng tại nhà. Cuộc tiếp xúc giữa tôi và ông chỉ bằng bút đàm, bởi sau khi bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, ông chưa nói lại được.
Nhà thơ Ngô Cang. |
Ngô Cang sinh năm 1948. Cuộc sống gia đình khó khăn nên dù nổi tiếng văn hay chữ tốt từ nhỏ nhưng ông không có điều kiện theo đuổi sự học. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, những bài thơ đầu tay của ông ra đời. Đó là những xúc cảm dạt dào về cuộc sống của những con người “côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó”.
Tên tuổi ông được nhiều người biết đến qua các bài thơ đặc sắc đăng trên các tạp chí Văn, Bách Khoa, Tuổi Ngọc, Khởi Hành... Sau năm 1975 đến nay, ông càng được nhiều người mến mộ qua những tác phẩm đăng đều đặn trên hàng loạt báo và tạp chí. Nhiều bài thơ của ông đã đoạt giải cao trong các cuộc thi thơ do các báo, tạp chí văn nghệ tổ chức.
Hơn 10 năm nay ông là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên- Huế. Làm thơ hay và nổi tiếng, nhiều người bảo ông lên phố để họ giúp kiếm một công việc nhàn thân và để có điều kiện phát triển thì ông gạt phăng đi. Ông bảo tính ông chỉ hợp với ruộng đồng, với con trâu cái cày, hạt lúa củ khoai. Ông chỉ thích làm thơ bên những chân ruộng trũng, bên những thửa đất bãi bồi ven con sông Bồ ngắt xanh cạnh nhà ông. Hơn nữa, nếu ông lên phố để được trắng da trơn mặt thì ai sẽ thay ông cày ruộng cuốc đất nuôi vợ con, mẹ già.
Khoai lúa “nuôi” thơ
64 tuổi đời và hơn 40 năm làm thơ, viết văn, đến nay Ngô Cang đã xuất bản 2 tập thơ: “Dòng sông thắp nắng” (NXB Thuận Hóa 1998) và “Vẽ lại những giấc mơ” (NXB Thuận Hóa 2005) và tập tùy bút “Rớ chọng nghiêng chiều” (NXB Thuận Hóa 2009). Tiền in các tập thơ, văn này ông lấy từ tiền bán lúa bán khoai. Ông bảo, thơ văn ông đã viết nhiều hơn con số đã in sách, nhưng ông chỉ lựa chọn những tác phẩm mà ông tâm đắc để in bởi ông luôn quan niệm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”.
Đọc các bài thơ trong các tập “Dòng sông thắp nắng” và “Vẽ lại những giấc mơ” của ông, giới phê bình đánh giá bài nào cũng hay và tạo được sự ám ảnh ở người đọc. Thơ ông mộc mạc, chân chất nhưng không kém phần chuyên nghiệp, xét từ tứ thơ cho đến ngôn ngữ thể hiện. Quanh năm hai sương một nắng để làm ra hạt lúa củ khoai, ông hiểu đời sống quê mùa hơn bất cứ ai, nhưng nếu không có năng khiếu đặc biệt thì ông không thể viết được những vần thơ đậm hồn quê như thế này:
Chiều ba mươi bên nồi xôi nếp mới
bát canh thơm tôm cá tát ao đìa
các con khen, cải ngồng chưa chín tới
vị men đời đắng ngọt vợ chồng chia...
(Tết nhà ta)
Hình ảnh cuộc sống nơi thôn quê của ông xuất hiện qua những cảm xúc chân thành, hồn nhiên, đạm bạc dung dị:
Bỏ xa bụi bặm phố phường/Ta về... cây cảnh ruộng vườn mà vui/Xóm giềng cô bác tới lui/Chua - cay - mặn - đắng - ngọt - bùi - sẻ - chia... (Ở quê)
Nhà thơ Ngàn Thương- một nhà thơ có tên tuổi ở Huế, kể: Nhiều lần ông và anh em văn nghệ sĩ cố đô tìm về thôn Mỹ Xá thăm nhà thơ Ngô Cang thì bắt gặp ông đang đánh trần gánh lúa từ ruộng trũng về nhà, mồ hôi nhễ nhại. Nhiều lần khác anh em lại gặp ông đang cuốc đất trồng khoai bên sông Bồ hay tát ao đìa bắt cá, người lấm lem bùn đất, trong túi áo có mẩu giấy và cái bút để… chép thơ khi có hứng. “Ai chưa biết về ông nếu nhìn cảnh này dù trí tưởng tượng tốt đến mấy cũng không thể nghĩ ông là nhà thơ”- nhà thơ Ngàn Thương nói.
Ngô Cang thường bảo với bạn bè rằng ông làm thơ không phải để nổi tiếng. Với ông, thơ là phương tiện để ông bày tỏ cảm xúc về cuộc sống chân lấm tay bùn của mình, về chuyện buồn vui nơi thôn dã. Thơ của ông được “nuôi” bằng khoai, lúa và thơ dường như cũng đang giúp cho khoai, lúa xanh ngát trên đồng...
An Sơn