Dân Việt

Khán giả Việt Nam đang "ngộ độc" truyền hình thực tế

09/02/2013 08:13 GMT+7
(Dân Việt) - Truyền hình thực tế đã có lúc khiến khán giả phát cuồng, nhưng nhìn lại, người xem dường như đang bị “ngộ độc” vì các chiêu trò và có quá ít những cảm xúc nhân văn.

Chẳng qua vì tiền?

Màn ảnh nhỏ năm 2012 dày đặc các chương trình truyền hình thực tế, có thể kể đến Vietnam Idol - Thần tượng Âm nhạc, Dancing With The Stars - Bước nhảy hoàn vũ, Just The Two Of Us - Cặp đôi hoàn hảo, Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s Got Talent, Clash of the choirs - Hợp ca tranh tài, Vietnam’s Next Top Model - Người mẫu Việt Nam, Star Academy - Ngôi nhà âm nhạc, The Amazing race - Cuộc đua kỳ thú, The Voice - Giọng hát Việt và mới nhất là MasterChef Vietnam - Vua đầu bếp.

img
 

Truyền hình thực tế xuất hiện trên thế giới cách đây đã 2 thập niên, tuy nhiên, phải đến bây giờ, nó mới chính thức khẳng định vai trò thống soái trên màn ảnh nhỏ VN, đơn giản vì các nhà sản xuất đã phát hiện, đó là một mỏ vàng. Tất cả các giờ phát sóng vàng trên các kênh truyền hình lớn của VN hiện nay đều đã dành cho các chương trình truyền hình thực tế, hút quảng cáo, tài trợ, thu tiền nhắn tin bình chọn của khán giả, có thể nói đó là các chương trình truyền hình “gà đẻ trứng vàng”.

Có thể lấy ví dụ từ Giọng hát Việt, mặc dù chương trình này mới đi được ¼ chặng đường đã có bão “scandal” dàn xếp kết quả, càng ngày càng chứng tỏ sự lê thê, một màu từ huấn luyện viên cho tới các thí sinh, thế nhưng, hiện nay, đây vẫn là chương trình có giá quảng cáo cao nhất, 180 triệu đồng/1 spot quảng cáo 30 giây.

img
 

Chính vì lợi nhuận mà yếu tố chuyên môn của các chương trình truyền hình thực tế đang bị xem nhẹ, khán giả nhắn tin bình chọn thì toàn tuổi teen, cuồng lên thích ai đó vì ngoại hình còn chẳng cần biết hát hò thế nào.Và nhà tổ chức thì đã đặt luật chơi “tin nhắn của khán giả” mới chính là quyết định thí sinh có được đi tiếp hay không, thế nên khán giả lại càng “ảo tưởng” về quyền lực của mình, để hăng hái nhịn ăn mua sim rác bầu chọn cho “thần tượng”.

Kinh doanh danh tiếng

Nếu hỏi các nghệ sĩ trẻ mới chân ướt chân ráo vào làng giải trí, rằng theo bạn, ở VN hiện nay có cách nào nhanh nhất để nổi tiếng, có đến 99% số người được hỏi sẽ trả lời: Tham gia một cuộc thi tìm kiếm tài năng trên truyền hình. Có thể thấy hàng loạt những gương mặt đã trở thành thần tượng chỉ sau một đêm như Uyên Linh ở Vietnam Idol, Võ Trọng Phúc ở Vietnam’s Got Talent, Bùi Anh Tuấn ở Giọng hát Việt, Huyền Trang, Hoàng Thùy ở Vietnam’s Next Top Model, Trấn Thành ở Cặp đôi hoàn hảo...

Rõ ràng, các cuộc thi truyền hình thực tế đã trở thành một cơ hội kinh doanh danh tiếng cho các gương mặt mới với mức độ “1 vốn 400 lời”. Trước cuộc thi, không nhiều người biết đến họ, ra khỏi cuộc thi, họ trở thành thần tượng với lượng fan lên tới hàng ngàn người.

img
Các chương trình làm mưa làm gió trên truyền hình trong năm 2012.

Ngay cả nhạc sĩ Quốc Trung- một người có lao động nghệ thuật khá nghiêm túc cũng phải đắng cay thừa nhận: “Tôi lao tâm khổ tứ làm nhạc vài chục năm nay không ai biết, thế mà nhận lời làm giám khảo cho Vietnam Idol, ngồi nói lảm nhảm mấy câu mua vui cho khán giả mà ra đường ai cũng biết mặt, chỉ trỏ”.

Thế mới biết sức hấp dẫn của truyền hình thực tế mạnh tới mức nào. Chính truyền hình thực tế đã giúp cho một số nghệ sĩ hâm nóng tên tuổi của họ, chẳng hạn đạo diễn Lê Hoàng- sự thành công trong các phim do ông đạo diễn đang tỷ lệ nghịch với khả năng làm giám khảo chuyên nghiệp của ông tại các cuộc thi truyền hình thực tế.

Hỉ, nộ, ái, ố và hết

Khán giả càng ngày càng nhận thấy, cảm xúc của họ bị các nhà sản xuất truyền hình thực tế lái đi theo những hướng có lợi cho túi tiền của họ. Các cuộc thi truyền hình thực tế bao giờ cũng “chiêu đãi” khán giả bằng một lô “scandal” hay khuyến mãi những chuyện hậu trường có thể khiến khán giả bức xúc, bực tức mà vẫn không thể ngừng bàn tán về chương trình của họ.

img
 

Chẳng hạn như Giọng hát Việt, cứ tưởng sau vụ tung clip vạch trần màn dàn xếp kết quả của Giám đốc âm nhạc Phương Uyên, sân chơi này sẽ rơi xuống đáy, không ngờ nó vẫn cuốn hút một lượng lớn khán giả đến hò hét vẫy băng rôn cho các thí sinh ở các đêm thi. Có hay không sự dối trá, lừa gạt trong kết quả, có hay không sự khéo léo tới mức “siêu kịch” trong diễn xuất của các huấn luyện viên... điều đó hình như chẳng hề ảnh hưởng tới độ “hot” của chương trình.

img
 

Chúng ta đang quá thiếu những sân chơi truyền hình thực tế mang đậm tính nhân văn, khơi gợi những cảm xúc hướng thiện cho người xem mà đa phần chỉ là những cuộc thi hào nhoáng, đặt nặng tính giải trí lên đầu.

Hãy nhìn cuộc thi Master Chef của nước Mỹ năm 2012, khán giả đã thực sự bị thuyết phục bởi Christine Hà- một cô gái khiếm thị gốc Việt đoạt ngôi vị quán quân. Christine Hà đã vực dậy bao nhiêu người may mắn hơn cô, để họ không non gan mà gục ngã trước những thử thách của số phận. Giá trị của một chương trình truyền hình thực tế vì vậy mà đẹp đẽ hơn biết nhường nào.

Nhìn đi nhìn lại, ở VN, đang quá thiếu những chương trình truyền hình nhân văn như thế mà các nhà sản xuất chủ yếu chỉ làm khán giả “ngộ độc” bởi các chiêu trò dày đặc trong các cuộc thi, khiến họ phát cuồng, giận dữ. Mục đích là để từ đó dẫn dụ khán giả bỏ tiền nhắn tin. Và quẩn quanh cũng chỉ có thế!