Trước hết, phải thấy rằng, vấn đề nhập cư, lao động trái phép là vấn nạn thường gặp ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ngay như tại Việt Nam, vốn được cho là nền kinh tế không mấy phát triển, kể từ khi mở cửa, cũng đã xuất hiện những người nước ngoài nhập cư và cư trú, lao động trái phép. Còn đối với thị trường Đài Loan, theo thống kê, thì hiện tượng người nước ngoài nhập cư, lao động trái phép không phải hiếm và không chỉ đến từ mỗi Việt Nam.
Hình ảnh một số du khách người Việt trước khi mất tích qua camera của khách sạn. Ảnh: Apple Daily.
Nói thế để thấy, vấn đề người nước ngoài tìm cách nhập cư bằng con đường du lịch, sau đó trốn ở lại để lao động trái phép là điều phổ biến, không đến mức quá lạ lẫm, nghiêm trọng, để phải miệt thị hoặc gán cho họ cái tội “làm nhục quốc thể” như một số người vội vàng quy chụp. Sự kiện chỉ gây chấn động dư luận vì số lượng lao động trốn ở lại Đài Loan diễn ra đồng loạt, mang tính tập thể, có vẻ như được tổ chức từ trước mà thôi.
Tôi quen nhiều người làm về xuất khẩu lao động và được họ cho biết, pháp luật Đài Loan quản lý về vấn đề lao động nhập cư khá chặt chẽ. Vì vậy, những lao động Việt Nam “chui” có sang đó “trót lọt”, kiếm được việc làm đi nữa cũng phải chịu cảnh sống trốn tránh, bất an. Họ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị truy quét, săn lùng, phát hiện. Và đương nhiên, những người lao động trái phép nếu bị phát hiện thì kết cục vô cùng thảm hại. Ngoài việc bị phạt tiền, họ còn bị tạm giữ, đợi cơ quan chức năng hoặc người nhà từ Việt Nam làm các thủ tục để đưa về nước. Quá trình này, các lao động luôn bị giám sát, áp giải không khác các tội phạm. Ngay cả khi về nước rồi, những người này cũng gặp nhiều bất lợi trong hồ sơ, lý lịch quản lý, ảnh hưởng nhiều cho các đợt xuất ngoại lần sau.
Đó là với những trường hợp không may bị phát hiện. Còn với những lao động “trụ” lại được, họ cũng luôn phải đối mặt với những rủi ro, bất công. Với những người lao động “chui” này, họ chỉ có cái “được” duy nhất là mức tiền công được trả theo dạng “công nhật” khá cao so với mặt bằng thu nhập trong nước, lại không bị quản lý bởi công ty trung gian. Còn lại, họ bị thiệt thòi đủ thứ mà lẽ ra những người lao động chân chính được hưởng, như chế độ bảo hiểm, nghỉ ốm, lương thưởng, bồi thường tai nạn… Đó là chưa kể, nếu gặp phải những ông chủ thiếu tử tế, những người lao động trái phép này rất có thể sẽ bị “bùng” lương, thậm chí còn bị ngược đãi, đánh đập. Kể cả bị ngược đãi, họ cũng không dám kêu ca, vì tố cáo cơ quan chức năng có khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”!?!
Nói vậy để thấy, công cuộc mưu sinh của những lao động bất hợp pháp tại xứ người chẳng dễ dàng và sung sướng gì. Vấn đề ở chỗ, tại sao họ vẫn lựa chọn cho mình con đường đầy rẫy bất trắc, chông gai như vậy? Tôi cho rằng, nguyên nhân một phần do các lao động này ở nhà đang chịu một cuộc sống bần hàn, túng quẫn, bế tắc. Họ có sức vóc, có ý chí, nhưng có thể do thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất nên đành phải chấp nhận “liều” sang xứ người, theo kiểu “được ăn cả, ngã về không”.
Trụ sở Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ quốc tế (International Holidays Trading Travel) - đơn vị làm visa cho đoàn khách.
Nhưng theo tôi, trong vụ việc này, số những người “liều” như vậy không phải là tất cả. Trong số đó, tôi tin rằng có cả những người suy nghĩ chủ quan, đơn giản, hoặc không được cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách, pháp luật, quy định của nước sở tại. Họ có thể bị dụ dỗ bởi những “cò” lao động, với lời hứa hẹn ngon ngọt hoặc lời rủ rê từ phía người thân bên Đài Loan nên “tặc lưỡi”. Mức phí làm thủ tục rẻ hơn nhiều so với con đường chính thống, lại làm tự do, không bị quản lý, thu nhập tính theo ngày, lương cao đã khiến nhiều người bị hoa mắt, làm liều. Việc lao động chui với họ lúc này không phải là vấn đề đáng bận tâm, bởi rất có thể họ đã được một ai đó cam kết ngầm rằng, những người trước không sao thì ta cũng… chẳng sao đâu!?!
Nếu để đổ lỗi, trách cứ, thì công ty môi giới, đơn vị đứng ra tổ chức đoàn khách du lịch mới là những người đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Tôi không tin là những công ty lữ hành có chức năng đưa du khách đi du lịch quốc tế mà lại thiếu sâu sát, không nắm bắt được ý đồ của khách, không lường trước được sự việc, để xảy ra mới tá hỏa báo cáo. Những người làm công việc này, bằng mắt thường cũng có thể nhìn ra đâu là người đi du lịch để thưởng ngoạn thực sự, đâu là những người nông dân khó khăn, vất vả, phải vay mượn khắp nơi để lấy tiền xuất cảnh quyết chí “đổi đời”. Vấn đề ở chỗ, tại sao những người muốn đi ra nước ngoài lao động ấy lại được ghép vào đoàn vốn chỉ để dành cho khách du lịch, đối tượng đang dư dả, coi việc chi tiêu để xả stress? Ở đây, chắc chắn đã có những sự… bắt tay từ trước. Và, tất cả đã được vận hành theo một “kịch bản” nhất quán từ trước đó rồi!?!
Hiện nay, được biết cơ quan chức năng của cả hai phía Đài Loan và Việt Nam đều đã vào cuộc. Rồi người ta sẽ tìm ra nguyên nhân, bản chất thật sự của chuyến du lịch có một không hai này. Nhưng, dù kết quả thế nào, cũng có thể thấy, hình ảnh về những lao động Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng trong mắt đối tác. Kéo theo đó là những hệ lụy, liên đới mà ngành du lịch nước nhà phải gánh chịu, dù thời gian qua họ đã làm nhiều cách để cải thiện, xây dựng hình ảnh.
Từ vụ việc này, nếu không có cách nhìn nhận đúng đắn từ nhiều phía để thay đổi cung cách quản lý, tư duy làm việc, chỉ biết đổ lỗi cho người lao động vốn đang ở thế cùng cực, chắc chắn sẽ không giải quyết được cái gốc của vấn đề. Bởi ở khía cạnh nào đó, người lao động cũng chỉ là nạn nhân…!