Dân Việt

Hà Nội sẽ xử lý tập thể, cá nhân không báo kịp thời dịch LMLM

Anh Thơ 30/12/2018 08:43 GMT+7
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, tới đây chắc chắn sẽ phải kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý, thông tin, báo cáo không kịp thời về các ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn heo xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, một trong những lý do khiến dịch bệnh LMLM bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp là do thời tiết diễn biến bất thường tạo điều kiện cho virus phát triển và người dân đã không tuân thủ nghiêm quy định tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc.

“Chương trình hỗ trợ tiêm phòng vaccine LMLM của thành phổ chỉ ưu tiên cho đàn nái và lợn đực giống do kinh phí có hạn. Vì vậy, có thể thấy, trong đợt dịch này những đối tượng được tiêm phòng đầy đủ đều miễn nhiễm, dịch bùng phát chủ yếu ở đàn lợn thương phẩm là những đối tượng không được hỗ trợ tiêm phòng vaccine và người dân chủ quan cũng không thực hiện lịch tiêm vaccine đầy đủ” – ông Sơn nêu một thực tế.

img

Xác lợn chết đang phân hủy bốc mùi hôi thối bên vệ đường dẫn vào thôn Hiệu Lực (xã Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: Minh Phúc.

Được biết, giá mỗi liều vaccine LMLM khoảng trên dưới 20.000 đồng, để đảm bảo tính kháng bệnh, mỗi con lợn cần được tiêm 2- 3 mũi, hiện lượng vaccine không thiếu.

Đánh giá về vai trò của thú y cơ sở trong việc phát hiện dịch, ông Sơn thừa nhận, đội ngũ này làm việc chưa thực sự hiệu quả, một phần do tâm lý giao động trước thông tin các chi cục thú y, chăn nuôi sẽ được sát nhập thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc huyện; một phần do thù lao của những lực lượng này quá thấp, chỉ 400.000 đồng/người/tháng.

Điều này có thể thấy ở ngay trên địa bàn xã Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội). Xã này có tới 15 cán bộ thú y viên nhưng dịch bệnh bùng phát khiến lợn chết nhiều mà gần như không có phản ứng. Nếu xã tổ chức tuyên truyền, vận động tốt, đặc biệt là thông tin cho người dân biết mỗi con lợn bị tiêu hủy sẽ được hỗ trợ 38.000 đồng/kg, thì sẽ không có chuyện người dân vứt trộm xác lợn chết, bán tống bán tháo lợn nhiễm bệnh.

Trong khi đó, theo báo cáo cập nhật của các địa phương và kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, hiện nay cả nước có 31 ổ dịch LMLM xảy ra tại 05 tỉnh, thành phố: Hà Nội (06 ổ dịch), Hòa Bình (05 ổ dịch), Bắc Ninh (11), Hà Nam (02 ổ dịch), Hà Tĩnh (07 ổ dịch) chưa qua 21 ngày; các ổ dịch khác đã qua 21 ngày và không phát sinh gia súc mắc bệnh.

Thành phố Hà Nội: Ngày 27/12/2018, phát sinh thêm 01 ổ dịch xảy ra tại xã Phú Cường thuộc huyện Ba Vì, tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 15 con.

Tỉnh Hoà Bình, Hà Nam trong ngày, không có báo cáo về ổ dịch mới phát sinh tại địa phương.

Tuy vậy, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Bắc Ninh và Hà Tĩnh. Cụ thể, trong ngày 27.12, dịch bệnh LMLM phát sinh tại 2 địa phương của 2 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh làm tổng cộng 103 con lợn mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy.

Tại thành phố Bắc Ninh: Ngày 27/12/2018, phát sinh thêm 01 ổ dịch LMLM tại phường Đáp Cầu, tổng số lợn mắc và tiêu hủy là 35 con. Tại huyện Thuận Thành: phát sinh thêm 01 ổ dịch tại xã An Bình, tổng số lợn mắc và tiêu hủy là 68 con.

Tại tỉnh Hà Tĩnh: Từ ngày 20/12/2018, dịch bệnh LMLM phát sinh tại 07 xã, phường của 04 huyện, thị xã làm tổng cộng 175 con gia súc mắc bệnh; trong đó 112 con lợn đã buộc phải tiêu hủy, cụ thể như sau:

Tại thị xã Hồng Lĩnh: Từ ngày 20/12/2018, dịch bệnh LMLM phát sinh tại phường Nam Hồng làm tổng cộng 14 con lợn mắc bệnh; toàn bộ 14 con lợn này đã buộc phải tiêu hủy.

Tại thị huyện Cẩm Xuyên: Từ tgày 20/12/2018, dịch bệnh LMLM phát sinh tại các xã Cẩm Nam, Cẩm Thăng và Cẩm Phúc làm tổng cộng 118 con lợn mắc bệnh; trong đó 81 con lợn đã buộc phải tiêu hủy.

Tại thị huyện Can Lộc: Từ tgày 24/12/2018, dịch bệnh LMLM phát sinh tại các xã Thượng Lộc và xã Khánh Lộc làm tổng cộng 23 con gia súc (01 trâu, 13 bò và 09 lợn mắc bệnh).

Tại thị huyện Can Lộc: Từ tgày 21/12/2018, dịch bệnh LMLM phát sinh tại các xã Thạch Văn làm tổng cộng 20 lợn mắc bệnh; trong đó 17 con lợn đã buộc phải tiêu hủy.