Dân Việt

5 Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 1.1.2019

Bảo Yến 30/12/2018 14:18 GMT+7
Các Nghị định mới quy định về mức lương tối thiểu vùng mới, người lao động được ý kiến sửa đổi, bổ sung thang, bảng lương, không yêu cầu trình độ tiếng Anh đối với đăng kiểm viên xe cơ giới, hay loạt văn bản về bảo vệ và phát triển rừng được bãi bỏ sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2019.

1. Mức lương tối thiểu vùng mới

Từ ngày 1.1.2019, Nghị định 157/2018/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Theo Nghị định mức lương tối thiểu vùng mới cho người lao động sẽ tăng lên với các mức như sau: Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; Vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; Vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; Vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng.

2. Người lao động được ý kiến sửa đổi, bổ sung thang, bảng lương

Nghị định 149/2018/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2019. Điều này có nghĩa là người lao động được quyền tham gia ý kiến xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể.

Bên cạnh đó, họ còn được nêu ý kiến đê xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động để đảm bảo quyền dân chủ ở nơi làm việc quy định tại. Quyền đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ; Các nội dung khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật

3, Không yêu cầu trình độ tiếng Anh đối với đăng kiểm viên xe cơ giới

Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ bãi bỏ 2 điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới. Theo đó, yêu cầu về trình độ tiếng Anh và được tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới được bãi bỏ.

img

Như vậy đăng kiểm viên xe cơ giới chỉ cần đáp ứng 4 điều kiện sau là được cấp Giấy chứng nhận:

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo Kỹ thuật cơ khí;

Có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên;

Có kết quả đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới;

Có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu lực.

Nghị định 139/2018/NĐ-CP có hiệu lực ngày 1.1.2019.

4. Nghị định 156 có hiệu lực

Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp có hiệu lực sẽ bãi bỏ hàng loạt văn bản (gồm 7 Nghị định, 10 Quyết định, 20 Thông tư và Thông tư liên tịch)về bảo vệ và phát triển rừng.

Ví dụ như: Nghị định 09/2006/NĐ-CP về phòng cháy và chữa cháy rừng; Quyết định 178/2001/QĐ-TTg Về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp; Thông tư 38/2007/TT-BNN Hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn;....

Nghị định 156/2018/NĐ-CP có hiệu lực ngày 1.1.2019.

5. Miễn thuế, lệ phí xuất,nhập khẩu cho hàng hóa cho hàng hóa cứu trợ thiên tai

Nghị định 160/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai, có hiệu lực áp dụng từ 1.1.2019. Theo đó quy định:

Miễn thuế, lệ phí nhập khẩu, xuất khẩu cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam nhập khẩu, tái xuất khẩu phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa để phục vụ công tác cứu trợ khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ thiên tai.

Trường hợp lượng hàng hóa để lại Việt Nam được sử dụng vào mục đích khác phải chịu thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam;

Đối với người được phép đến Việt Nam hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai: Được làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh ưu tiên tại các cửa khẩu; trường hợp ứng phó khẩn cấp, nếu chưa có thị thực thì được cấp thị thực tại cửa khẩu.

Đối với phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa được phép nhập khẩu, tái xuất sau khi hoàn thành hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ thiên tai thì được ưu tiên làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu.