Dân Việt

"Điểm mặt" hàng loạt vụ du khách nước ngoài bị tấn công ở Ai Cập

P.V (Tổng hợp) 30/12/2018 13:31 GMT+7
Quả bom được giấu gần một bức tường đã phát nổ cách xe buýt khoảng 5-6 m, khiến ba du khách Việt và hướng dẫn viên người Ai Cập thiệt mạng đang là tâm điểm chú ý ở Ai Cập. Tuy nhiên trước đó từng xử ra nhiều vụ du khách bị đánh bom.

Nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan có liên quan đến IS và al-Qaeda ở Ai Cập đã thực hiện các vụ tấn công tại các thành phố du lịch nổi tiếng.

Mới đây nhất, 28.12, một chiếc xe du lịch chở đoàn du khách Việt Nam 15 người đã bị đánh bom vào lúc 18h15 phút cùng ngày (tức 23h15 phút ngày 28.12 theo giờ Việt Nam), khiến 3 người Việt Nam thiệt mạng. Cơ quan điều tra Ai Cập đang giữ ba thi thể nạn nhân. Chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công. Ba người bị thương nặng đã được các bác sĩ Ai Cập phẫu thuật và điều trị tích cực. 9 người bị thương nhẹ hơn đang phục hồi tốt.

img

Tháng 7.2017:  5 du khách người Đức, một người Czech bị đâm

Ngày 14.7.2017, Abdel-Rahman Shaaban, 29 tuổi, bơi từ một bãi biển công cộng đến bãi biển của khách sạn nghỉ dưỡng tại Hurghada ở Biển Đỏ và đâm 5 du khách người Đức và một người Czech, khiến ba người thiệt mạng. Thủ phạm hét lên rằng y "không nhằm vào người Ai Cập". Các nhân viên khách sạn đã truy đuổi và bắt kẻ tấn công.

Tháng 1.2016: 2 du khách người Áo và Thuỵ Điển bị đâm chết

Tháng 1.2016 một vụ tấn công du khách nước ngoài khi hai chiến binh Hồi giáo xông vào khách sạn Bella Vista tại Hurghada đâm chết hai du khách đến từ Áo và Thụy Điển. Một kẻ tấn công bị tiêu diệt tại hiện trường, kẻ còn lại bị bắt. Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm.

Tháng 10.2015: 224 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó đa phần là du khách

Ngày 31.10.2015, chuyến bay 9268 của hãng hàng không Nga Kogalymavia  rơi xuống bán đảo Sinai sau khi khởi hành từ sân bay quốc tế Sharm el-Sheikh, Ai Cập để đến Saint Petersburg, Nga. Toàn bộ 224 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó đa phần là du khách. Nạn nhân gồm 219 người Nga, 4 người Ukraine và một người Belarus.

Ansar Bait al-Maqdis, chi nhánh của IS tại Sinai nhận trách nhiệm. Các nhà điều tra Nga kết luận rằng một quả bom đã được tuồn lên máy bay.

Tháng 4.2006: 3 vụ đánh bom liên tiếp, 23 người thiệt mạng

Thành phố nghỉ dưỡng Dahab, điểm đến yêu thích của cả du khách phương Tây lẫn người dân trong nước, ngày 24.4.2006 hứng chịu ba vụ đánh bom liên tiếp tại gần nhà hàng, quán café và khu chợ đông người qua lại.

23 người thiệt mạng, trong đó có công dân Ai Cập, Đức, Lebanon, Nga, Thụy Sĩ và Hungary. Khoảng 80 người bị thương, trong đó có du khách Australia, Đan Mạch, Pháp, Đức, Israel, Hàn Quốc, Lebanon, Palestine, Anh và Mỹ. Các nhà điều tra cho rằng đây là vụ tấn công tự sát do tổ chức khủng bố Hồi giáo Jama'at al-Tawhīd wal-Jihad tiến hành.

Tháng 7.2005: 88 người thiệt mạng trong hàng loạt vụ đánh bom

Một loạt vụ đánh bom đã diễn ra tại chợ và khách sạn của thành phố nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh tại mũi phía nam của bán đảo Sinai ngày 23/7/2005. 88 người thiệt mạng, đa phần là người bản địa nhưng ngoài ra có 11 người Anh, hai người Đức, một người Czech, 6 người Italy, một người Israel và một người Mỹ.

Abdullah Azzam Brigades, nhóm chiến binh có liên quan đến al-Qaeda, tuyên bố đã tiến hành vụ tấn công nhưng sau đó có thêm hai nhóm khác cũng nhận trách nhiệm.

Tháng 10.2004: 34 người thiệt mạng trong vụ đánh bom ở khách sạn Hilton Taba và khu cắm trại

Khách sạn Hilton Taba và một khu cắm trại của người Israel là mục tiêu trong ba vụ đánh bom ở bán đảo Sinai ngày 7.10.2004. Trong số 34 người chết có 18 người bản địa, 12 người Israel, hai người Italy, một người Nga và một người Mỹ gốc Israel.

Chính phủ Ai Cập nói rằng những kẻ đánh bom là người Palestine cố gắng vào Israel để thực hiện các cuộc tấn công nhưng không thành công. Thực tế, chính quyền Israel đã cảnh báo một tháng trước đó rằng những kẻ khủng bố đang lên kế hoạch tấn công ở Sinai, nhưng hầu hết người Israel không chú ý đến khuyến cáo và vẫn đi nghỉ tại đây.

Theo Egyptian Streets, Ai Cập coi ngành du lịch là một thành phần cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế nước này. Trong năm 2018, số lượng du khách đã tăng đột biến và dự kiến sẽ còn tăng trưởng cao trong năm 2019.

Do đó, để đảm bảo ngành mũi nhọn này được đảm bảo, chính phủ Ai Cập đã thực thi các biện pháp an ninh chặt chẽ nhằm ngăn chặn bất kỳ vụ tấn công hay biến cố nào xảy ra.

Vào tháng 6.2018, bảng xếp hạng Luật và Trật tự Toàn cầu Gallup đã đánh giá Ai Cập đứng thứ 16 trong số các nước an toàn nhất thế giới. Với thứ hạng này, Ai Cập đã vượt qua Mỹ, Anh và toàn bộ các nước thuộc châu Phi. Ngoài ra, Ai Cập còn được cho là an toàn hơn nhiều so với các địa điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu như Pháp, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức.