Dân Việt

Con nhà nông viết "cổ tích" bóng đá

10/02/2013 06:15 GMT+7
(Dân Việt) - Những ngày cuối tháng 9 năm ngoái, người dân vùng đất Ninh Thuận đã được đắm chìm trong bầu không khí lễ hội do lứa cầu thủ U21 với những điểm sáng xuất thân từ con nhà nông tạo nên...

Thành phần U21 Ninh Thuận tham dự Giải U21 quốc gia 2012 chỉ có 9/22 cầu thủ gốc Ninh Thuận. Số còn lại phải đi mượn từ các địa phương khác. Dù quân số chiếm chưa đầy phân nửa nhưng các cầu thủ Ninh Thuận vẫn đóng vai trò nòng cốt với điểm sáng Lê Duy Thanh.

img
Cầu thủ trẻ Duy Thanh .

Duy Thanh sinh ra trong một gia đình thuần nông có 2 anh em thuộc phường Văn Hải (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm). Cũng giống như bao đứa trẻ khác, tuổi thơ của Duy Thanh chỉ có niềm đam mê duy nhất là bóng đá gắn với những cuộc đọ sức từ chiều tới tối mịt trên... sân ruộng. Bước ngoặt đến với anh vào năm 2000 khi lớp Năng khiếu Ninh Thuận tổ chức tuyển chọn cầu thủ bóng đá và anh đã lọt vào mắt thầy Thanh Sơn khi mới 10 tuổi.

“Nếu không có bóng đá, có lẽ giờ tôi đã là một tay giang hồ vì tôi quậy lắm”.

Duy Thanh tâm sự: “Ngày đó, em từ quê lên phố bỡ ngỡ lắm. Ninh Thuận lại là tỉnh nghèo, cầu thủ trẻ tụi em không có sân mà tập, toàn tập ở sân ruộng thôi, sân tỉnh cũng chẳng khác nào cái ruộng. Thậm chí, cầu thủ tụi em chỉ có một đôi giày mà tập”.

Khó khăn như thế nhưng các cầu thủ Ninh Thuận nói chung và Duy Thanh nói riêng vẫn gặt hái được nhiều thành tích ở giải trẻ. Tiếc là ở một mảnh đất bóng đá kém phát triển, sau chút thành công ban đầu ấy, cầu thủ cũng đường ai nấy về.

Cá nhân Duy Thanh sau đó được giới thiệu cho HAGL vào năm 2007 và anh được ví như một Thonglao phiên bản 2.0 của đội bóng phố núi. Nhanh chóng thể hiện được tài năng, năm 2010 Duy Thanh được đôn lên đội 1 HAGL rồi thi đấu chững chạc từ đó cho đến nay không chỉ trong màu áo HAGL mà cả đội U17, U21, U22 Quốc gia.

Cầu thủ chỉ cao 1m67 này bộc bạch: “Nếu không có bóng đá, có lẽ giờ tôi đã là một tay giang hồ vì tôi quậy lắm. Những đồng tiền kiếm được từ bóng đá giúp tôi nuôi anh hai học đại học. Bố mẹ tôi giờ cũng khỏe hơn nhờ số tiền tôi phụ giúp.

Chỉ buồn là Ninh Thuận không có đội hạng Nhất hay V.League. Tụi tôi còn có HAGL để thi đấu chứ mấy bạn khác kết thúc Giải U21 thì giải tán luôn. Các bạn lại trở về với cuộc sống nhọc nhằn của người nông dân mà thôi”.

img
Cầu thủ trẻ Út Cường (trái).

Cùng lứa với Duy Thanh còn có Út Cường và Trần Vũ - hai cầu thủ trẻ tài năng nhất của bóng đá Ninh Thuận lên phố núi thử việc và “đậu lại”. Út Cường cũng xuất thân từ gia đình nông dân nên anh xem bóng đá là con đường thoát nghèo cho gia đình. Mới được đôn lên đội 1 HAGL thi đấu V.League 2011, Cường chỉ nói ngắn gọn: “Nhờ bóng đá nên gia đình tôi cũng đỡ khổ”.

Khó khăn nhất chính là Trần Vũ. Gia đình với 7 anh chị em sống dựa vào sạp cá của mẹ nên rất cực khổ. Cũng may nhờ bóng đá, Vũ đã làm cho bộ mặt gia đình đổi khác. Sau những năm tháng chơi bóng cho HAGL, Vũ đã mua được đất. Và trong tương lai, anh dự định sẽ dành dụm số tiền kiếm được để cất một căn nhà khang trang cho gia đình.